Tân binh UPCoM - Nam A Bank: Lợi nhuận 9 tháng vẫn đi lùi, nợ xấu ở mức cao
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 05:57, 12/11/2020
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đưa cổ phiếu giao dịch trên UPCoM giữa lúc “sóng gió gia tộc” chưa ngã ngũ, nghiệp vụ kinh doanh dù ghi nhận tăng trưởng tuy vậy mức nợ xấu vẫn chưa thực sự được kiểm soát tốt.
Sau nhiều năm chần chừ, đến khoảng cuối năm nay, nhiều nhà băng có quy mô nhỏ và vừa muốn chuyển sàn hoặc niêm yết cổ phiếu.
Nhiều ngân hàng chưa từng giao dịch trên UPCoM cũng đặt kế hoạch niêm yết trực tiếp trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) trong năm nay như MSB hay OCB. Ngoài ra, một số ngân hàng khác như VIB, ACB, SHB... cũng đặt mục tiêu chuyển cổ phiếu từ UPCoM hoặc HNX qua HoSE.
Các chuyên gia cho rằng, "làn sóng" này xuất hiện là điều dễ hiểu khi năm 2020 là hạn chót quy định các ngân hàng phải hoàn thành việc đăng ký giao dịch trên UPCoM. Trong khi đó, theo luật chứng khoán mới có hiệu lực từ đầu năm 2021, các cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM sẽ phải mất 2 năm để "làm quen", sau đó mới được niêm yết trên sàn chứng khoán chính thức, nên dẫn đến hiện tượng một số ngân hàng muốn chuyển sàn.
Cũng ở trong làn sóng đó, hơn 389 triệu cổ phiếu NAB của Nam A Bank đã chính thức lên UPCoM trong ngày 9.10. Giá tham chiếu cổ phiếu NAB trong ngày giao dịch đầu tiên là 13.500 đồng/cp. Tổng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch hơn 3.890 tỉ đồng.
Đại diện Nam A Bank cho biết, việc chọn niêm yết trên sàn UPCoM để có lộ trình cọ xát từng bước nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Song song đó, việc niêm yết trên sàn UPCoM cũng giúp cổ phiếu Nam A Bank tăng tính thanh khoản, nâng cao vị thế trên thị trường, đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông.
Vướng vòng xoáy tranh giành quyền lực
Gữa năm 2019, vụ kiện tranh chấp cổ phần giữa cựu Chủ tịch HĐQT Nam A Bank (ông Nguyễn Quốc Toàn) và cha ruột thu hút sự chú ý từ dư luận. Theo đó, ông Nguyễn Chấn (chồng cố nữ đại gia Tư Hường) tổ chức họp báo cho biết khi bà Tư Hường bị bệnh, giao cho con trai là ông Nguyễn Quốc Toàn quản lý Nam A Bank và Tập đoàn Hoàn Cầu thông qua quyền nắm giữ các cổ phần, cổ phiếu, vốn góp tại Nam A Bank và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu nhưng quyền sở hữu vẫn thuộc về vợ chồng ông.
Tuy nhiên sau đó số tài sản này được cho là đã bị chiếm đoạt, giá trị khoảng 30.000 tỉ đồng. Theo ông Chấn, những người đang chiếm giữ cổ phiếu trái pháp luật ước tính trên 90% vốn điều lệ Nam A Bank.
Trong khi đó, ba người con gái của ông Chấn và bà Hường gồm Nguyễn Thị Xuân Hương, Nguyễn Thị Xuân Nữ và Nguyễn Thị Thanh Vân cũng có đơn tố cáo 8 người, trong đó có 7 người con trong gia đình đã lợi dụng ông Chấn tuổi cao nhằm phá hoại các hoạt động kinh doanh của gia đình.
Mặc dù phải sống chung với bất ổn từ ban lãnh đạo nhưng hoạt động kinh doanh của Nam A Bank vẫn đang tăng trưởng. Theo kết quả kinh doanh gần nhất, ngân hàng này ghi nhận hầu hết các khoản thu đều tăng trưởng khả quan.
Trong đó, nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần tăng mạnh gần 44% so cùng kỳ, lên mức 691 tỉ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 37% lên 26 tỉ đồng. Lãi thuần kinh doanh ngoại hối gấp đôi với 14 tỉ.
Lãi thuần từ hoạt động khác 2,5 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ 513 triệu đồng. Đặc biệt, mua bán chứng khoán đầu tư giảm lỗ từ 21,5 tỉ đồng xuống còn 906 triệu đồng. Riêng mua bán chứng khoán kinh doanh bất ngờ âm 339 triệu đồng.
Tuy nhiên chi phí hoạt động lại tăng 31% khi chiếm 463 tỉ đồng, đồng thời chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng vọt gấp 55 lần từ 1,5 tỉ lên 83 tỷ đồng trong quý 3.
Dù thế, lợi nhuận sau thuế của Nam A Bank vẫn đạt 147 tỉ đồng, tăng mạnh 43% so cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng, do chi phí hoạt động chiếm 1.180 tỉ đồng và dự phòng 359 tỉ đồng (gấp 7,8 lần cùng kỳ) nên lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 32% về còn 307 tỉ đồng.
Năm nay, Nam A Bank đưa ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.000 tỉ đồng, tăng 75 tỷ so với năm 2019. Tuy nhiên mục tiêu này khó đạt được do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 tính đến thời điểm hiện nay.
Nợ xấu vẫn là nỗi băn khoăn lớn
Đi cùng với việc gia tăng tín dụng giúp doanh thu tăng trưởng, nợ xấu tại ngân hàng này đang có tín hiệu xấu hơn. Tính đến cuối quý 3.2020, nợ xấu của Nam Á tăng 47% so với đầu năm lên 1.963 tỉ đồng.
Trong đó, nợ nhóm 4 và 5 tăng lần lượt là 30% và 20% lên 1.233 tỉ đồng và 583 tỉ đồng. Tương ứng tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,97% của đầu kỳ lên 2,28%, con số này gần sát với mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước là 3%.
So với thời điểm cuối quý 2, mức nợ xấu đã dần được cải thiện trong thời kỳ làn sóng dịch bệnh COVID-19 quay trở lại lần thứ 2. Tại Báo cáo tài chính soát xét quý 2, ngân hàng ghi nhận nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) gấp gần 5 lần so với trước soát xét, lên mức 1.535 tỉ đồng.
Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) lần lượt giảm 6% và 27% so với trước soát xét, dẫn đến tổng nợ xấu của Nam A Bank tăng 81%, lên mức gần 2.259 tỉ đồng.
Với nợ nghi ngờ tăng mạnh, dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng thêm hơn 1.904 tỉ đồng, tương đương tăng 3% so với trước soát xét. Qua đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,66% lên mức 2,93% sau soát xét.
Theo báo cáo ban đầu, tổng nợ xấu của Nam A Bank tại thời điểm cuối quý 2.2020 giảm 7% so với đầu năm, chỉ còn gần 1.245 tỉ đồng, trong đó giảm nhiều nhất là nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ. Do đó, làm tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của Ngân hàng giảm nhẹ từ mức 1,97% hồi đầu năm xuống còn 1,66%.
Mặc dù chỉ tiêu nợ xấu đang là gánh nặng cho Ngân hàng nhưng chỉ tiêu về quy mô lại có sự tăng trưởng tích cực. Cụ thể, tính đến ngày 30.9.2020, tổng tài sản của Nam A Bank đạt gần 120.000 tỉ đồng, tăng 26% so với thời điểm đầu năm và vượt 3% kế hoạch cả năm.
Huy động vốn và phát hành giấy tờ có giá đạt gần 100.000 tỉ đồng, tăng trưởng 32% và vượt 8% kế hoạch. Dư nợ cho vay đạt hơn 86.000 tỉ đồng, tăng trưởng 27% và vượt 5% kế hoạch.
Cuối quý III, nợ xấu tại nhiều nhà băng tăng nhanh, có nơi ghi nhận nợ có khả năng mất vốn tăng gấp ba so với đầu năm.
Qua báo cáo tài chính quý III/2020 của 15 ngân hàng thương mại cho thấy, có tới 14 nhà băng ghi nhận số dư nợ xấu tăng từ 30% trở lên so với đầu năm.
Chẳng hạn, TPBank với tổng số dư nợ xấu tăng 60% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 82% và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 27% trong 9 tháng.
Chất lượng tín dụng của Ngân hàng Quân đội (MB) cũng đi xuống khi nợ nhóm 5 lên đến 1.982 tỷ đồng, tăng gấp 3,2 lần so với đầu năm. Số dư nợ xấu của MB hiện là 4.035 tỷ đồng, tăng hơn 39% so với thời điểm 31/12/2019.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) báo cáo mức tăng tổng nợ xấu là 30% so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng 81% và nợ có khả năng mất vốn tăng 11%. Tương tự nợ xấu của Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng tăng 31% so với đầu năm, còn nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng đến 114%.
Trong khi đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tuy mức tăng nợ xấu không nhanh như các ngân hàng khác (16%) nhưng số dư nợ xấu thuộc hàng lớn nhất hệ thống với 22.526 tỷ đồng.
Lý giải về những con số nợ xấu đang tăng cao, lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, đây là diễn tiến khó tránh trong tình hình kinh tế hiện tại. Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng mạnh đến khách hàng doanh nghiệp lẫn cá nhân, những người làm công ăn lương, buôn bán nhỏ.