Sỏi thận có hình dáng san hô
Tiến bộ y học - Ngày đăng : 10:34, 12/11/2020
Bệnh nhân là ông Lê Tấn T. (SN 1960; ngụ H.Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) nhập viện ngày 3.11 do đau hông trái và thỉnh thoảng tiểu gắt. Bệnh nhân biết có sỏi san hô 2 bên đã 6 năm và đã mổ hở lấy sỏi san hô thận phải (thận xẻ đôi nhu mô thận) nhưng không áp dụng hạ thân nhiệt.
Kết quả siêu âm ổ bụng, chụp XQ hệ niệu không chuẩn bị và CT scan 2 thận phát hiện thấy có sỏi, sỏi thận trái dạng san hô kéo dài tới 1/3 trên niệu quản trái. Trường hợp này không thể lấy sỏi qua đường bể thận nên bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật sỏi san hô thận trái có hạ nhiệt để có thể lấy sạch sỏi, hạn chế chảy máu và bảo tồn chủ mô thận.
Ngày 9.11 ê kíp phẫu thuật do BSCK2 Nguyễn Phước Lộc - Trưởng Khoa Ngoại thận tiết niệu, ThsBS Trương Minh Khoa, ThsBS Nguyễn Vĩnh Nghi, BSCK2 Trần Huỳnh Đào - Trưởng Khoa Gây mê hồi sức đã tiến hành phẫu thuật xẻ đôi mở rộng thận trái lấy ra sỏi san hô và nhiểu viên sỏi nhỏ có hạ thân nhiệt. Các bác sĩ đã cho đá lạnh Ringer lactat vào phủ quanh bề mặt nhu mô thận để hạ nhiệt độ bề mặt thận xuống 40C. Sau khi kiểm tra thấy hết sạn các bác sĩ đã khâu phục hồi thận. Sáng 12.11 bệnh nhân tỉnh, sinh tồn ổn, không sốt và dự kiến ra viện trong vài ngày tới.
Theo BSCK2 Nguyễn Phước Lộc: “Sỏi thận chiếm tỉ lệ lớn nhất khoảng 48% trong nhóm bệnh sỏi tiết niệu, và đang có xu hướng gia tăng. Bệnh sỏi thận ở Việt Nam có đặc điểm riêng là bệnh nhân thường đến viện muộn, sức khỏe đã giảm sút, sỏi đã to và có nhiều biến chứng nặng nề như sỏi san hô, sỏi thận nhiều viên, nhiễm khuẩn niệu, thận giãn ứ nước, thận hóa mủ, thận xơ teo mất chức năng và suy thận…”.
Sỏi san hô là sỏi phân nhánh lớn lấp đầy một phần bể thận và đài thận và chúng có thể là sỏi san hô toàn phần hoặc bán phần, tùy thuộc vào vị trí đài - bể thận. Sỏi thận san hô là tình trạng các viên sỏi lấp đầy từ 2 nhánh đài thận trở lên, có hình trông giống san hô. Sỏi thận san hô còn được gọi là sỏi struvite hoặc sỏi nhiễm trùng. Phần lớn sỏi thận san hô là sỏi hỗn hợp struvite - carbonate-apatite còn lại một số ít là là sỏi canxi oxalat và canxi photphat và chỉ xuất hiện tại đài bể thận, không có tại các vị trí khác như niệu quản, niệu đạo...
Đặc điểm của sỏi san hô là có nhiều nhánh, gai nhỏ thường có màu vàng trắng và nằm trong các đài thận, lấp đầy đài thận, rất cứng và khó bị bào mòn. Trong phẫu thuật lấy sỏi thận ngoài yêu cầu đặt ra là phải giải quyết lưu thông thì yêu cầu sạch sỏi và bảo tồn chức năng thận tối đa cũng là những yếu tố quan trọng, nhất là trong phẫu thuật sỏi san hô, sỏi nhiều viên rải rác trong thận.
Phẫu thuật mổ mở lấy sỏi thận san hô, nhiều viên thường phải xẻ dọc theo bờ ngoài mặt sau nhu mô thận theo đường ít mạch máu nhất, gọi là đường vô mạch Hirtl. Tuy nhiên vấn đề mất máu và tổn thương tế bào thận do thiếu oxy trong khi thắt động tĩnh mạch thận để hạn chế mất máu là vấn đề rất quan trọng. Khi thận được làm lạnh hay hạ thân nhiệt thận bằng nước đá và tưới rửa thận giúp tế bào thận giảm tiêu thụ oxy khi không có máu nuôi, từ đó giúp bảo tồn tế bào thận tốt nhất.
Kỹ thuật làm lạnh thận bằng cách cho đá lạnh từ dung dịch Ringer lactate hay Natriclorid 0,9% vào phủ quanh bề mặt nhu mô thận để hạ nhiệt độ bề mặt thận xuống 40C, chườm đá, làm nhiệt độ nhu mô thận giảm còn 15-20 độ C. Phẫu thuật thận dù không có máu nuôi thận do cuống thận đã kẹp mạch máu nuôi nhưng có thể kéo dài tới 60-75 phút. Điều này giúp phẫu thuật viên lấy sạch sỏi mà không làm ảnh hưởng đến phục hồi nhu mô thận.
Những người dễ bị sỏi san hô thường là phụ nữ, người lớn tuổi, người bị viêm đường tiết niệu nhiều lần, những người đã thực hiện các phẫu thuật niệu quản, bàng quang hoặc dị tật đường tiết niệu. Khi có sỏi san hô trong thận, người bệnh thường gặp phải các triệu chứng điển hình như đau lưng, bí tiểu, tiểu ra máu hoặc có thể sốt… Tuy nhiên cũng có những trường hợp có sỏi thận san hô nhưng không xuất hiện các triệu chứng rõ rệt. Điển hình là khi bệnh mới ở giai đoạn đầu, các triệu chứng thường không rõ nét nên người bệnh dễ chủ quan không đi khám khiến sỏi lớn dần và khó điều trị.