'Dù dưới thời Biden hay Trump, Việt Nam cũng cần cẩn trọng với xuất siêu sang Mỹ'
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:59, 12/11/2020
Cẩ
Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ thời gian qua luôn ở mức rất cao. Hiện Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ trong 10 tháng đầu năm nay đạt 62,34 tỉ USD, tăng tới 24% (tương ứng 12 tỉ USD) so với cùng kỳ năm 2019.
10 tháng qua, cán cân thương mại hàng hóa của Việt nam ước tính xuất siêu sang các nước là 18,72 tỉ USD. Đây được xem là mức xuất siêu kỷ lục cho đến nay.
Trả lời phỏng vấn Fox News trước đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhắc đến việc Việt Nam “lạm dụng” thương mại với Mỹ, thậm chí còn tệ hơn Trung Quốc - nước đang bị Mỹ áp thuế cao trên nhiều loại hàng hóa vì thâm hụt thương mại giữa hai bên.
Tuyên bố này của ông Trump từng khiến nhiều người lo ngại về việc Việt Nam lọt vào "tầm ngắm" của Mỹ khi mức xuất siêu liên tục tăng qua từng năm (năm 2018 khoảng 35 tỉ USD, năm 2019 khoảng 60 tỉ US).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải từng cho biết Mỹ đánh giá thương mại giữa Việt Nam và Mỹ hiện không công bằng. Vì vậy cần đánh giá và rà soát kế hoạch hành động thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước. Điều này nhằm tránh việc Mỹ áp dụng các biện pháp tương tự Trung Quốc và một số nước khác.
Thứ trướng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: "Chúng ta cần cẩn thận tránh việc Mỹ coi Việt Nam là nơi trung chuyển hàng hóa của các nước. Đây hoàn toàn không phải là chủ trương của Chính phủ".
Trao đổi với PV Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho biết chính sách của ông Biden hay ông Trump đều có chung quan điểm là bảo vệ lợi ích của Mỹ và yêu cầu Trung Quốc thực hiện đúng các cam kết thương mại quốc tế, dù cách tiếp cận khác nhau.
Điều này sẽ có những tác động đến xu hướng dịch chuyển đầu tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhất là trong bối cảnh sau dịch COVID-19 và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa thể chấm dứt ngay.
Với Việt Nam, TS Lực cho biết tình hình chính trị ổn định, kiểm soát tốt dịch bệnh, kinh tế sớm phục hồi, môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện...vẫn sẽ là môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài nói chung và Mỹ nói riêng trong xu thế này.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cũng khuyến cáo Việt Nam cần phải cân bằng hơn cán cân thương mại với Mỹ, bởi vì xuất siêu Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh qua các năm gần đây. Điều này đã gây chú ý đối với chính quyền quốc gia này. Theo đó, khi xuất hàng hóa sang Mỹ, các doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ và chặt chẽ các quy định về quy tắc xuất xứ, pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại để tránh việc Mỹ coi Việt Nam là nơi trung chuyển hàng hóa của các nước.
"Vì vậy, dù dưới thời ông Biden hay Trump thì nhiệm vụ của Việt Nam vẫn phải là cân bằng hơn cán cân thương mại với Mỹ và thực hiện tốt hơn các cam kết của hai bên vì lợi ích chung của hai nước vẫn là điểm cần lưu ý đối với Việt Nam", TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Chính sách của ông Biden tác động đến Việt Nam như thế nào?
Đánh giá về tác động trong chính sách của ông Biden tới Việt Nam, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực dự báo sẽ ổn định, ôn hòa và dễ đoán hơn. Điều này sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tăng lên. Qua đó thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa hai bên.
Mặt khác, chính sách quyết tâm phòng chống dịch COVID-19 của ông Biden nếu hiệu quả sẽ tạo điều kiện sớm mở cửa, khai thông thương mại, đầu tư, đối ngoại, du lịch và các hoạt động hợp tác khác với Việt Nam một cách thuận lợi hơn. Điều này góp phần vào tiến trình thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam.
Thách thức và cũng là cơ hội trong chính sách "dùng hàng hóa Mỹ" sẽ đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm và phát triển sản phẩm mới khi có kế hoạch xuất khẩu sang Mỹ.
TS Lực khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và xuất khẩu sang Mỹ cũng phải thay đổi cách thức tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm sang Mỹ khi các yêu cầu, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ vẫn rất nghiêm ngặt. Nó đòi hỏi sự khác biệt, chất lượng cao hơn so với các sản phẩm sản xuất nội địa Mỹ, trong khi đó vẫn phải cạnh trạnh với hàng hóa từ các nước khác xuất khẩu sang Mỹ.
Đáng chú ý, dưới thời ông Biden, nhiều dự đoán cho rằng Mỹ sẽ quay lại đàm phán tham gia Hiệp định CPTPP hoặc đẩy mạnh hơn hợp tác thương mại đa phương. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn hơn cho Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và đa dạng hóa thị trường.
"Bên cạnh chương trình hợp tác song phương Việt Nam - Mỹ, CPTPP có sự tham gia của Mỹ cũng sẽ là biện pháp tốt giúp Việt Nam cân bằng cán cân thương mại với Mỹ, nâng cao hiệu quả hợp tác giải trình và thống nhất thông tin thống kê và cách tính liên quan đến vấn đề tỷ giá để từ đó có thể giảm rủi ro bị theo dõi về thao túng tiền tệ", TS Lực phân tích.