Hàng chục tin nhắn chúc mừng Biden từ các nhà lãnh đạo nước ngoài bị chính quyền Trump giữ lại
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:14, 12/11/2020
Các quan chức Bộ Ngoại giao nói với CNN rằng ông Biden đã bị chính quyền Trump cấm truy cập vào các tài nguyên của cơ quan này. Lý do vì ông Trump từ chối thừa nhận chiến thắng của đối thủ trong cuộc bầu cử năm 2020.
Nhóm của Biden đã liên lạc với các chính phủ nước ngoài mà không có sự hỗ trợ về hậu cần và dịch thuật do Bộ Ngoại giao cung cấp.
Ông Biden đã thực hiện cuộc gọi riêng với các nhà lãnh đạo nước ngoài khác, trong đó có Thủ tướng Đức - Angela Merkel và Thủ tướng Canada - Justin Trudeau, kể từ khi được nhiều hãng tin tuyên bố là tổng thống đắc cử.
"Họ muốn sử dụng các nguồn lực của Bộ Ngoại giao", một nguồn thạo tin cho biết và lưu ý rằng nhóm Biden đang phải đối phó với thách thức bất ngờ.
Theo CNN, Bộ Ngoại giao thường ủng hộ các mối quan hệ quốc tế với tổng thống đắc cử và "đó là lý do tại sao nhiều quốc gia bắt đầu gửi thông điệp tới Bộ này vào cuối tuần qua".
Trump liên tục cáo buộc gian lận cử tri dù các quan chức địa phương chưa tìm thấy bằng chứng về bất kỳ gian lận nào liên quan đến bầu cử.
Trump và các đồng minh, gồm cả Ngoại trưởng Mike Pompeo, từ chối thừa nhận Biden là tổng thống đắc cử. Khi được hỏi về kết quả bầu cử và quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống, ông Pompeo đùa rằng: "Sẽ có sự chuyển đổi suôn sẻ sang một chính quyền Trump thứ hai”.
“Thế giới đang theo dõi những gì đang diễn ra. Chúng tôi sẽ đếm tất cả các phiếu bầu. Khi quá trình hoàn tất, chúng sẽ là những lá phiếu được chọn. Có một quy trình, Hiến pháp quy định điều đó khá rõ ràng. Thế giới nên tin tưởng rằng quá trình chuyển đổi cần thiết để đảm bảo rằng Bộ Ngoại giao hoạt động hiệu quả chỉ trong một hôm, thành công chỉ trong một hôm và cũng thành công với một tổng thống nhậm chức vào sau buổi trưa ngày 20.1”, Ngoại trưởng Mỹ nói thêm.
Các nhà lãnh đạo nước ngoài bắt đầu nhận ra rằng Bộ Ngoại giao Mỹ không thể giúp họ liên lạc với tổng thống đắc cử nên đã liên hệ với các nhà ngoại giao thời Obama trước đây để được hỗ trợ về cách gửi tin nhắn chúc mừng tới nhóm của Biden, theo CNN.
Trong quá khứ, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tạo điều kiện để quy trình chuyển tiếp diễn ra suôn sẻ hơn.
Denis McDonough, người từng phục vụ trong chính quyền Obama, cho biết: “Thật là hữu ích khi các quan chức của Bộ Ngoại giao thực hiện các cuộc gọi và cung cấp dịch vụ dịch thuật. Chúng tôi rất biết ơn sự hợp tác từ chính quyền Bush vì đã biến điều đó thành hiện thực”.
Dù Trump ngăn chặn quá trình chuyển đổi chính thức, ông Biden vẫn tiếp tục khẳng định vị trí của mình.
Ông Biden đã bổ nhiệm các quan chức vào các vị trí quan trọng và hôm 10.11 nói rằng sự thiếu hợp tác từ Trump sẽ không làm chậm lại quá trình chuyển tiếp.
Cụ thể hơn, ông Biden nói không cần sự giúp đỡ của Trump để chuẩn bị nhậm chức tổng thống. Sự không nhượng bộ từ Trump có nghĩa là Biden cho đến nay bị từ chối cho tiếp cận các tài liệu chuyển tiếp cơ bản như tài trợ, không gian văn phòng, thông tin được phân loại và các biện pháp bảo mật.
Thế nhưng, Biden cho biết: “Không có quyền tiếp cận không thay đổi động lực của tất cả những gì chúng tôi có thể làm. Thành thật mà nói, chúng tôi không thấy bất cứ điều gì làm chậm chúng tôi. Chúng tôi đã bắt đầu quá trình chuyển tiếp. Chúng tôi đang tiến hành tốt".
Ông Biden nói rằng không cần sự giúp đỡ của Trump để đảm nhận chức vụ tổng thống khi Nhà Trắng tiếp tục ngăn quá trình chuyển tiếp
Biden đã thực hiện các bước để khẳng định bản thân, bao gồm chỉ định nhóm chuyển tiếp, một đội đặc nhiệm chống coronavirus và tổ chức các cuộc gọi với các nhà lãnh đạo nước khác, nhiều người trong số họ đã thừa nhận chiến thắng của ông hôm 7.11
"Chúng tôi sẽ tiến hành theo một cách nhất quán, tập hợp chính quyền của chúng tôi, Nhà Trắng của chúng tôi, xem xét người mà chúng tôi sẽ chọn cho các vị trí Nội các và sẽ không có gì ngăn cản được", ông Biden nhấn mạnh.
Tổng thống đắc cử thường nhận được các cuộc họp giao ban tình báo đã được phân loại như một phần của quá trình chuyển tiếp, còn Biden thì không nhưng ông nói: "Việc tiếp cận thông tin đã phân loại rất hữu ích, nhưng dù sao thì tôi cũng không có quyền đưa ra quyết định về những vấn đề này. Sẽ rất tốt nếu có nó nhưng nó không quá quan trọng".
Theo trang Axios, nhóm chuyển tiếp của Biden đang cân nhắc thực hiện hành động pháp lý nếu quá trình này không bắt đầu. Song tại cuộc họp báo, ông Biden cho rằng "không cần phải có hành động pháp lý".
Nếu không có gì thay đổi, ông Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào trưa 20.1.2021, sau giai đoạn chuyển tiếp.