Thứ trưởng Bộ Y tế: Nguy cơ COVID-19 bùng phát trong cộng đồng rất lớn
Thông tin Y học - Ngày đăng : 05:23, 13/11/2020
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại Lễ công bố dự án truyền thông khẩu trang “Vì sức khỏe Việt Nam” và “Bảo vệ Blouse trắng” do Công đoàn ngành Y tế Việt Nam tổ chức chiều 12.11.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phân tích nguy cơ bùng phát dịch tại cộng đồng ở Việt Nam đến từ các chuyến bay đưa các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc ở các dự án, đưa công dân từ nước ngoài về; đường biên giới của Việt Nam giáp với Trung Quốc, Lào, người dân thường đi qua đường mòn, lối mở,… nên việc giao thương, đi lại rất khó kiểm soát.
Ông cũng cho biết: "Trong thời gian dài không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, người dân bắt đầu có tư tưởng chủ quan, ngay cả cán bộ cũng chủ quan, chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, nguy cơ dịch COVID-19 và bùng phát ca bệnh ở cộng đồng là rất lớn. Một ca bệnh ở nhà máy, xí nghiệp còn có thể xử lý, nhưng ca lây nhiễm ở cộng đồng thì rất khó để truy vết”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Ngoài ra, vẫn còn nhiều dịch bệnh khác nguy hiểm lây qua đường hô hấp như bạch hầu, lao phổi, cúm, rota virus,… Trong tình hình hiện nay, khí hậu chuẩn bị bước sang mùa Đông, Xuân, tình hình bão lũ phức tạp. Khi lũ rút, vấn đề ô nhiễm môi trường và dịch bệnh cần đặc biệt quan tâm. “Việc phòng, chống dịch COVID-19 là cơ sở để thực hiện mục tiêu kép, không để dịch chồng dịch. Đeo khẩu trang là một trong những biện pháp phòng, chống dịch hiện hữu, không chỉ phòng, chống dịch COVID-19 mà còn phòng, chống các dịch bệnh khác hiệu quả”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: "Hiện nay Bộ Y tế đã dự thảo xong quy định những địa điểm phải đeo khẩu trang phòng chống dịch. Trong khi văn bản chưa ban hành, một số địa phương cũng đã có quy định về các điểm phải đeo khẩu trang, nếu không đeo sẽ bị xử phạt. Điều này cho thấy tầm quan trọng của đeo khẩu trang trong công tác phòng chống dịch COVID-19 nói chung và các bệnh truyền nhiễm khác. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam vẫn đang có nguy cơ dịch COVID-19 có thể xâm nhập và bùng phát bất cứ lúc nào. Hiện khẩu trang có rất nhiều loại như: Khẩu trang vải thông thường, khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang y tế, khẩu trang chuyên dụng… Với cơ chế lây qua giọt bắn, chỉ cần người dân thực hiện tốt việc đeo khẩu trang thông thường cũng có thể góp phần hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh lây lan".
Bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn y tế Việt Nam cho biết: “Đến thời điểm này đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp liên hệ đặt mua khẩu trang vải để hưởng ứng dự án. Dự án đặt mục tiêu bước đầu thu hút ít nhất 5.000.000 người dùng tiềm năng đến từ hệ thống Công đoàn Việt Nam; 1.000 doanh nghiệp, tổ chức tham gia dự án; tiêu thụ 5.000.000 khẩu trang mang thông điệp của dự án, qua đó gây quỹ hỗ trợ 1.000 trường hợp các cán bộ, nhân viên y tế đang ngày đêm chống dịch COVID-19, mắc bệnh hiểm nghèo, bị bệnh nghề nghiệp, bị bạo hành, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.
Theo kế hoạch, dự án đã thiết kế 7 mẫu khẩu trang để phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng. Các thiết kế có đầy đủ biểu tượng chương trình, kèm thông điệp dự án, hoặc có người nổi tiếng ký, thương hiệu nhận diện… Các sản phẩm đại trà sẽ được bán trên thị trường để người dân dễ dàng mua và sử dụng.
Thời gian triển khai dự án từ tháng 11.2020 đến hết năm 2021.