Video hiếm có về loài mực tay dài bí ẩn ngoài khơi Australia
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 21:20, 13/11/2020
Mực tay dài (Magnapinna) là một trong những sinh vật khó nắm bắt nhất trong tự nhiên. Chúng sinh sống dưới đại dương sâu thẳm và cực hiếm, mới chỉ có khoảng 10 cá thể được xác nhận trên toàn thế giới.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS One, các nhà khoa học từ tổ chức CSIRO cho biết đã quay được hình ảnh của mực tay dài trên vùng biển ngoài khơi Australia, không chỉ 1 lần mà là 5 lần với 5 cá thể khác nhau. Dù chưa thể khẳng định khu vực này là nơi tập trung mực tay dài nhưng những hình ảnh ghi được rất quan trọng trong việc tìm hiểu về môi trường sống của sinh vật bí ẩn này.
Các nhà nghiên cứu viết: “Phát hiện này là những ghi nhận đầu tiên về loài mực tay dài trên vùng biển Australia với số lượng cá thể được phát hiện nhiều hơn gấp đôi so với ở Nam bán cầu. Việc tìm thấy nhiều con mực tay dài trong cùng một địa điểm gợi ý rằng chúng có thể là loài phân bố theo khu vực”.
Mực tay dài là những con vật đặc biệt và kỳ lạ. Dù cơ thể của chúng trông khá giống những con mực thông thường nhưng xúc tu có thể dài đến 8m. Do chúng sống trong vùng nước sâu từ 1.000 đến 4.000m so với mặt nước biển nên không dễ dàng để nghiên cứu. Ở độ sâu này, ánh sáng mặt trời không thể tiếp cận và áp lực nước rất lớn.
Tuy nhiên, các thiết bị được vận hành từ xa có thể tiếp cận khu vực này. Các nhà khoa học đã triển khai tàu lặn biển sâu (ROV) cùng camera chuyên dụng để khám phá vùng nước sâu Great Australian Bight, ngoài khơi bờ biển phía nam Australia. Trong 5 lần riêng biệt, mực tay dài xuất hiện trong hình ảnh thu được bởi các thiết bị từ ROV.
Lần đầu tiên là vào tháng 11.2015, camera từ ROV đã ghi được hình ảnh 2 con mực tay dài ở độ sâu lần lượt là 2.110 và 2.178m so với mực nước biển, quay chúng trong 4 giây. Hai lần nhìn thấy cách nhau khoảng 12 giờ.
Lần thứ hai, ROV đã phát hiện 3 cá thể khác tại một địa điểm mới vào tháng 3.2017, ở độ sâu 3.002, 3.056 và 3.060m. Do thiết bị mới linh hoạt hơn nên camera ghi hình được lâu hơn, vào khoảng 3 phút. Cả ba lần nhìn thấy xảy ra trong khoảng thời gian 25 giờ.
“Dựa vào chiều dài và tỷ lệ cơ thể, chúng tôi có thể xác nhận chúng là 5 con mực tay dài khác nhau. Thật bất thường khi thấy nhiều cá thể ở gần nhau như vậy”, trưởng nhóm nghiên cứu Deborah Osterhage từ CSIRO nhấn mạnh.
Trong cuộc khảo sát trên 350km ở Great Australian Bight, các nhà khoa học đã ghi lại đoạn video dài 75 giờ. Tuy nhiên, những lần các con mực tay dài xuất hiện rất hiếm và chỉ được nhìn thấy ở 2 địa điểm nói trên.
“Tất cả những cảnh quay về mực Magnapinna ở Great Australian Bight đều được thực hiện tại khu vực chủ yếu là trầm tích, trong địa hình có độ dốc thấp và phần trên của hẻm núi ngầm. Các hẻm núi ngầm và địa hình tương tự ở vùng biển sâu thường có nhiều sự đa dạng sinh học. Những địa điểm này cũng phản ánh sở thích về môi trường sống của mực Magnapinna”, các nhà khoa học cho biết.
Mặc dù thời gian nhìn thấy mực tay dài ngắn nhưng các nhà khoa học vẫn quan sát được một số hành vi của chúng. Khi di chuyển, chúng mở các xúc tu dài ra sau đó uốn cong 1 góc gần 90 độ. Theo các nhà khoa học, đây có thể là hành vi kiếm mồi nhưng chưa đủ thông tin để xác định một cách chắc chắn.
Một hành vi khác mà nhóm nghiên cứu quan sát được là các con mực tay dài giữ xúc tu vuông góc với cơ thể trong khi di chuyển từ phương ngang sang tư thế thẳng đứng.
“Đó là những hình ảnh vô cùng hấp dẫn, hé lộ phần nào về đời sống của sinh vật kỳ lạ này trong thế giới biển sâu mà chúng ta không thể tiếp cận”, các nhà khoa học nhận định.