Siêu bão Vamco khiến 42 người chết ở Philippines, gây gió giật cấp 16 khi vào Việt Nam
Sự kiện - Ngày đăng : 21:00, 13/11/2020
Bão số 13 gây gió giật cấp 16 khi vào Việt Nam
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 19 giờ ngày 13.11, vị trí tâm bão Vamco ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 113,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190 km về phía nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - 13 (115 - 150 km/giờ), giật cấp 16. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão Vamco di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 7 giờ ngày 14.11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi khoảng 260 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115 - 135 km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tới, bão Vamco di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 19 giờ ngày 14.11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90 - 100 km/giờ), giật cấp 12.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,5 đến 18,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.
Vùng biển phía Tây khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 8 - 10, vùng gần tâm bão cấp 12 - 13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 5 - 7 m, vùng gần tâm bão 8 - 10 m; biển động dữ dội.
Từ đêm nay (13.11), vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, huyện đảo Lý Sơn, đảo Cù Lao Chàm) gió mạnh dần lên cấp 7 - 8, vùng gần tâm bão cấp 9 - 10, giật cấp 12; biển động rất mạnh.
Từ sáng mai (14.11), vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6 - 7, giật cấp 9; biển động mạnh.
Vùng ven biển từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có khả năng nước dâng do bão cao 0,5 - 0,8 m.
Từ sáng 14.11, trên đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8, vùng ven biển có nơi cấp 9, giật cấp 11.
Từ 14 - 16.11, từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150 - 250 mm/đợt, có nơi trên 350 mm. Ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi có mưa to với lượng mưa từ 50 - 150 mm/đợt.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 13 ở cấp 3.
Bão Vamco khiến 42 người chết, 20 mất tích ở Philippines
Vamco là cơn bão thứ 21 ở Philippines năm nay, đổ bộ vào đảo chính Luzon hôm 11.11 và 12.11, gây ra lở đất, cây đổ và cắt đứt nhiều tuyến đường giao thông.
Sau khi quét ngang tỉnh Quezon, Vamco đạt sức gió 155 km/h và cao nhất lên đến 255 km/h. Nó thổi qua phía bắc thủ đô Manila vào đêm 11.11, lật đổ cây cối và cột điện, gây ngập lụt các cộng đồng dân cư, lở đất và triều cường.
Các quan chức Philippines cho biết, bùn dày và mảnh vụn bao phủ nhiều ngôi làng xung quanh thủ đô Manila hôm 13.11 sau khi cơn bão Vamco giết chết ít nhất 42 người, khiến 43 người bị thương và 20 người mất tích, gây ra lũ lụt trên diện rộng khiến dân chúng phải chạy trốn lên mái nhà của họ.
Trong số những người thiệt mạng có ít nhất 12 dân làng bị chôn vùi dưới bùn và đá lở ở các tỉnh phía bắc Cagayan và Nueva Vizcaya.
Quân đội, cảnh sát, lực lượng bảo vệ bờ biển và các đội ứng phó thảm họa đã giải cứu hàng chục ngàn người.
Nước lũ đã rút đi ở nhiều khu vực sau khi bão Vamco thổi vào Biển Đông hôm 13.11, nhưng quân đội Philippines cho biết họ vẫn đang giải cứu những người bị mắc kẹt trong một số cộng đồng bị ngập lụt.
"Các phương tiện tấn công đổ bộ thường được sử dụng trong các hoạt động chống nổi dậy đã được triển khai cho công tác cứu hộ", tham mưu trưởng quân đội Gilbert Gapay cho biết trong một cuộc họp với các quan chức ứng phó thảm họa.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm những người mất tích, đánh giá thiệt hại”, ông Gapay nói.
Trong cuộc họp truyền hình giữa Nội các và các quan chức ứng phó thảm họa hôm 13.11, một phóng viên đã hỏi Tổng thống Rodrigo Duterte đang ở đâu, khiến Harry Roque - phát ngôn viên của ông trả lời khó chịu.
“Không nên hỏi nơi ở của tổng thống. Đó là sự ngu ngốc đến từ phe đối lập. Tổng thống không mất tích, ông ấy luôn ở bên chúng ta", Harry Roque nói và không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào.
Hơn 400.000 người đã được sơ tán đến vùng đất cao hơn trước khi cơn bão Vamco đổ bộ, chủ yếu là cư dân của các khu vực ven biển và vùng trũng dễ bị tổn thương.
Ít nhất 3,8 triệu hộ gia đình bị mất điện ở thủ đô và các tỉnh xa xôi, nhưng lực lượng chức năng sau đó đã khôi phục điện ở nhiều khu vực. Các văn phòng chính phủ đã đóng cửa và hầu hết các lớp học bị đình chỉ vào hôm nay.
Vamco đổ bộ vào Philippines sau cơn bão Goni, một trong những cơn bão mạnh nhất thế giới trong năm nay, khiến hơn 30 người chết và mất tích, 270.000 ngôi nhà bị hư hại và phá hủy. Hàng chục ngàn người vẫn phải di dời khi Vamco tấn công.
Philippines phải hứng chịu khoảng 20 cơn bão mỗi năm, đồng thời có các đứt gãy địa chấn và núi lửa đang hoạt động, khiến nước này trở thành một trong những quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới.