TP.HCM: Hàng quán vẫn đua nhau trả nhà phố vì kinh doanh ế ẩm
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:16, 14/11/2020
Hiện nay, dọc nhiều tuyến đường trung tâm TP.HCM hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều cửa hàng, quán xá trả mặt bằng nhà phố. Ở các tuyến đường như Ngô Đức Kế, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi nghĩa… nhiều nhà phố vẫn đang bị bỏ trống. Trong đó, có những nhà phố đã treo biển cho thuê từ đợt dịch đầu tiên nhưng đến nay vẫn chưa có khách thuê.
Sở dĩ khu vực này khó cho thuê do giá thuê vẫn còn rất cao, dao động từ 6.000 – 20.000 USD/tháng. Đáng chú ý, dù có những căn nhà phố tại trung tâm đã được chủ nhà thương lượng giảm giá thuê từ 10-30% nhưng cũng không dễ tìm khách thuê.
Theo bà Võ Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam, mặt bằng nhà phố đang đối mặt với thách thức lớn trong những tháng vừa qua. Số lượng mặt bằng nhà phố đang chào thuê ra thị trường ngày càng nhiều, tuy nhiên tốc độ lấp đầy lại rất chậm.
Trong khi các nhà phố căn góc tại các tuyến đường có lưu lượng giao thông cao được thuê nhanh chóng, thì ở các cung đường thương mại lớn như Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Kế, Lê Lợi hay Phạm Ngũ Lão… (quận 1) lại khó cho thuê.
Bà Trang cho rằng khó khăn của phân khúc nhà phố cho thuê đến từ lý do là chủ nhà vẫn rất lạc quan vào đà hồi phục của thị trường và không có ý định giảm giá chào thuê. Trong khi đó, khách thuê vẫn tiếp tục giảm số lượng cửa hàng hoặc giảm diện tích và chuyển đổi sang thương mại điện tử.
Đặc biệt, tại các khu vực có lượng người lưu thông giảm và phụ thuộc lớn vào lượng khách du lịch, khách thuê vẫn quyết trả mặt bằng dù một số chủ nhà chấp nhận giảm giá thuê trong ngắn hạn.
“Hiện tại, các khách thuê mới khá thận trọng, hạn chế mở cửa hàng trong khi khách thuê cũ thu hẹp diện tích thuê hiện hữu. Tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra trong một thời gian nữa.
Việc cắt giảm diện tích thuê, thậm chí trả mặt bằng là một trong những giải pháp được nhiều khách thuê áp dụng trong giai đoạn này để vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, thị trường có thể được cải thiện dần về cuối năm, đặc biệt trong dịp lễ tết sắp tới”, bà Trang nói.
Tương tự, CBRE Việt Nam cũng xác nhận trong quý 3/2020, tỉ lệ mặt bằng bị bỏ trống trung bình tại TP.HCM cao hơn năm trước do các thương hiệu thời trang và đặc biệt là thương hiệu ngành ăn uống trả lại mặt bằng. Trường hợp thu hẹp và trả mặt bằng ở ngành ẩm thực chủ yếu rơi vào những thương hiệu trong nước.
Dự báo về thị trường trong những tháng còn lại của năm 2020, đại diện Savills Việt Nam nói rằng xu hướng giảm diện tích thuê hoặc trả những cửa hàng hoạt động không hiệu quả sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Tuy nhiên, mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM vẫn có thêm hơn 50.000 m2 từ 7 dự án mới, trong đó khu vực ngoài trung tâm chiếm hơn 80% thị phần.
Nhiều nhãn hàng nước ngoài hiện tạm hoãn kế hoạch gia nhập thị trường và nhiều doanh nghiệp hạn chế mở rộng thị trường có thể ảnh hưởng đến công suất thuê của thị trường.