Tai, mũi, họng, mắt là một chuyên khoa của y học cổ truyền

Sự kiện - Ngày đăng : 17:59, 14/11/2020

Đó là khẳng định của PGS.TS. BS Trịnh Thị Diệu Thường - Trưởng Khoa y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM tại Hội nghị khoa học kỹ thuật và đào tạo liên tục y học cổ truyền năm 2020 của đơn vị này diễn ra vào hôm nay (14.11).

Tại hội nghị khoa học này, các chuyên gia trong lĩnh vực y học cổ truyền đã cập nhật kiến thức từ Tây y đến Đông y, những kinh nghiệm điều trị các bệnh lý thường gặp từ các nước có nền y học cổ truyền phát triển, từ đó giúp các bác sĩ đưa ra các chẩn đoán và chỉ định phù hợp cho người bệnh.

tai-mui-hong-mat-la-mot-chuyen-khoa-cua-y-hoc-co-truyen-hinh-anh(1).png
PGS.TS. BS Trịnh Thị Diệu Thường - Trưởng Khoa y học cổ truyền, Dại học y dược TP.HCM phát biểu tại Hội nghị khoa học kỹ thuật và đào tạo liên tục y học cổ truyền năm 2020 - N.P

Đặc biệt, các bài báo cáo tham luận của các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam và trên thế giới không chỉ ở lĩnh vực y học cổ truyền, mà còn ở các lĩnh vực chuyên sâu trong điều trị các bệnh lý tai, mũi, họng. Những nội dung cho thấy tính kế thừa và vận dụng sáng tạo của y học cổ truyền. Hiện nay, bác sĩ y học cổ truyền không chỉ am hiểu về Đông y mà còn biết nghiên cứu khoa học, phối hợp Tây y trong điều trị, đồng thời thường xuyên cập nhật các khuyến cáo và xu hướng của thế giới trong thực hành lâm sàng.

Theo PGS.TS. BS Trịnh Thị Diệu Thường, các bệnh lý về tai, mũi, họng, mắt được xếp vào nhóm chuyên khoa ngũ quan trong Y học cổ truyền. Đây là nhóm chuyên khoa chưa được chú ý phát triển tại các bệnh viện Y học cổ truyền ở Việt Nam, nhưng lại là một mặt bệnh rất phổ biến trong cộng đồng.

Chia sẻ về hình thức đào tạo tại chỗ kết hợp với trực tuyến tại Hội nghị năm nay, bác sĩ Thường cho biết, các báo cáo viên quốc tế rất sẵn sàng đến Việt Nam để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với các học viên. Tuy nhiên, do tình hình COVID-19 còn diễn biến phức tạp tại các nước trên thế giới, các phiên đào tạo của báo cáo viên nước ngoài sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tuyến nhằm phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.

Với hình thức này, các đại biểu vẫn có thể cập nhật kiến thức và tương tác với các báo cáo viên nước ngoài một cách thuận tiện thông qua các phần mềm đào tạo trực tuyến.

“Trong thời gian tới, Khoa y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo, kết hợp nhiều hình thức khác nhau để các khuyến cáo, chỉ định mới được cập nhật đến các bác sĩ y học cổ truyền một cách liên tục, nhanh chóng, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong cộng đồng”, bác sĩ Thường cho hay.

Hồ Quang