Việt Nam chính thức ký Hiệp định RCEP

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:05, 15/11/2020

Ngày 15.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo ASEAN cùng các nước đối tác đã chính thức ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

RCEP chính thức được ký kết

Ngày hôm nay (15.11), Bộ trưởng Kinh tế của 15 quốc gia đã ký kết Hiệp định RCEP từ các đầu cầu truyền hình trực tuyến. Các nhà lãnh đạo của Hiệp định RCEP tuyên bố việc ký Hiệp định trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra.

125187696_1266180937100012_7471684285376223465_n.jpg
Việt Nam chính thức ký kết tham gia Hiệp định RCEP - Ảnh: T.N

Trước tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế cũng như đối với cuộc sống và sự an toàn của người dân, các nước tuyên bố: Việc ký Hiệp định RCEP thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của các nước trong việc hỗ trợ phục hồi kinh tế, phát triển toàn diện, tạo việc làm và tăng cường chuỗi cung ứng khu vực cũng như ủng hộ một thỏa thuận thương mại và đầu tư tự do, toàn diện, dựa trên luật lệ. Hiệp định RCEP được xem là giải pháp cấp bách để ứng phó với đại dịch COVID-19 của khu vực và trong việc xây dựng khả năng tự cường thông qua quá trình phục hồi kinh tế bền vững hậu đại dịch.

Hiệp định RCEP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng, góp phần nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khuôn khổ khu vực và tăng cường hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác. Hiệp định có 20 chương bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại tư do trước đây giữa ASEAN và các nước Đối tác.

Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, Hiệp định RCEP còn bao gồm các Chương về Sở hữu trí tuệ, Thương mại điện tử, Cạnh tranh, Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), Hợp tác kinh tế và kỹ thuật và Mua sắm của chính phủ. Chúng tôi tin tưởng rằng Hiệp định RCEP, với mức độ cam kết tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, chắn chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực đặc biệt về khả năng tiếp cận thị trường.

Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo RCEP nhấn mạnh: "Chúng tôi nhất trí rằng toàn bộ cơ hội và tiềm năng của Hiệp định RCEP chỉ được có thể hiện thực hóa khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi giao quan chức các nước đẩy nhanh thủ tục phê chuẩn trong nước để Hiệp định sớm có hiệu lực, khi ít nhất 6 quốc gia thành viên ASEAN và 3 nước đối tác gửi văn kiện phê chuẩn đến Cơ quan lưu chiểu theo quy định của Hiệp định. Chúng tôi cũng giao các Bộ trưởng phát triển RCEP thành một nền tảng cho đối thoại và hợp tác về các vấn đề kinh tế và thương mại ảnh hưởng đến khu vực, đồng thời báo cáo chúng tôi thường xuyên".

FTA có quy mô lớn nhất thế giới

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được xem là hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới, là hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia) và các đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

124870613_1266181150433324_8260974535411175192_n.jpg
Việt Nam cùng các nước thành viên, đối tác tham gia ký kết ngày 15.11 - Ảnh: T.N

Khi được ký kết và đi vào thực thi, RCEP sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, với GDP chiếm tới 32% tổng GDP toàn cầu (khoảng 32.000 tỉ USD), chiếm 47,5% dân số thế giới. RCEP gồm 15 nước thành viên, là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới và tác động vượt ra khỏi tầm khu vực.

Tính tới hết năm 2019, các quốc gia tham gia RCEP có tổng dân số 3,6 tỉ người, với khối lượng thương mại của các nước tham gia đạt 11.200 tỉ USD - tương đương 29,5% thương mại toàn cầu.

Đối với Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, RCEP được ký kết và đi vào thực thi sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang 14 thị trường trong khối.

Đặc biệt, hiệp định sẽ giúp Việt Nam mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn với các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Bởi chỉ tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu và thiết bị sản xuất của Việt Nam hàng năm đã vượt 30 tỉ USD.

Tuyết Nhung