Số phận mịt mù của máy bay Trung Quốc tự sản xuất

Quốc tế - Ngày đăng : 09:20, 16/11/2020

Giới phân tích nhận định chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ kế thừa chính sách kiềm chế Trung Quốc trên lĩnh vực công nghệ, khiến đối thủ châu Á khó mua được linh kiện cần thiết để sản xuất máy bay dân dụng C919.

Khi Mỹ bắt đầu siết chặt xuất khẩu hàng công nghệ cho Trung Quốc, cả người trong ngành lẫn chuyên gia đều cảnh báo C919 có nguy cơ phải dời ngày chính thức đi vào hoạt động.

C919 là sản phẩm của Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) phục vụ cho tham vọng phá vỡ thế thống trị Boeing - Airbus ở thị trường máy bay phản lực chở khách. Dù mang tiếng hàng nội địa nhưng C919 phụ thuộc nhiều vào linh kiện ngoại nhập như động cơ hay hệ thống điều khiển, vì vậy duy trì khả năng tiếp cận nhà cung cấp Mỹ là cực kỳ quan trọng.

c919.jpg
Một chiếc C919 bay thử nghiệm vào năm 2017 - Ảnh: Bloomberg

Một nguồn tin thân cận với COMAC tiết lộ đến nay đối đầu Mỹ - Trung chưa đem lại rắc rối cho C919 nên đợt giao hàng năm sau vẫn khả thi. Hơn nữa đại dịch COVID-19 khiến Boeing và Airbus giảm sản xuất, các nhà cung cấp linh kiện thực sự mong COMAC giao hàng đúng hạn.

Cuối tháng 10, người đứng đầu chương trình thiết kế C919 Ngô Quang Huy tuyên bố COMAC cố gắng giao chiếc máy bay đầu tiên cho China Eastern Airlines trước cuối năm 2021. Ông cũng cho biết C919 hiện ở giai đoạn cuối của quy trình kiểm tra kiểu mẫu (TIA) – kiểm tra kỹ thuật khả năng bay trước khi Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) cấp 3 chứng chỉ chính thức cho máy bay mới được khai thác thương mại.

COMAC năm 2019 cho biết tập đoàn dự tính đạt tất cả chứng chỉ cần thiết cho C919 vào cuối năm sau – trễ hơn mục tiêu cuối năm nay do vấn đề kỹ thuật liên quan đến thiết kế, sản xuất, khả năng bay và vận hành.

Giám đốc quản lý Kevin Michaels của công ty tư vấn AeroDynamic Advisory lại nhận định C919 đến năm 2022 hay thậm chí 2023 mới được giao, do trở ngại kỹ thuật cùng chứng chỉ.

Cũng theo ông, điểm yếu không thể tự chế tạo động cơ là “gót chân Achilles” của Trung Quốc. Động cơ CFM dùng cho C919 đi trước trình độ công nghệ Trung Quốc đến 20 năm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 2 từng cân nhắc ngăn tập đoàn General Electric (GE) cung cấp động cơ LEAP-1C cho COMAC với lý do bảo vệ công nghệ quân dụng. Nhưng cuối cùng chính quyền Washington lại cấp phép bán.

Đến tháng 6, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố danh sách doanh nghiệp Trung Quốc bị xác định có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Công ty chế tạo máy bay Trung Quốc (AVIC) - nhà cung cấp linh kiện lớn của C919 - nằm trong danh sách.

Tình hình càng thêm phức tạp khi Tổng thống Trump hôm 12.11 ký lệnh hành pháp cấm đầu tư vào doanh nghiệp Trung Quốc có liên hệ với quân đội. Giới chuyên gia lo ngại nhà lãnh đạo này tiếp tục gây khó dễ Trung Quốc trong 2 tháng cuối nhiệm kỳ.

c919-01.jpg
Mang tiếng hàng nội địa nhưng C919 phụ thuộc nhiều vào linh kiện ngoại nhập - Ảnh: SCMP

Chính quyền Biden

Chính quyền chính trị gia Biden được đánh giá mềm mỏng hơn, khả năng nhà cung cấp Mỹ bán linh kiện cần thiết để sản xuất C919 cũng sáng sủa hơn. Theo học giả Andy Mok thuộc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa: “Bảo vệ việc làm trong ngành hàng không cho lao động Mỹ rất quan trọng, nên tôi cho rằng chính quyền Biden sẽ trấn an Trung Quốc”.

Giáo sư quan hệ quốc tế Thời Ân Hoằng thuộc đại học Nhân dân (Bắc Kinh) không lạc quan như vậy. Ông đánh giá dù không đột ngột cắt nguồn cung linh kiện nhưng chính quyền Biden chắc chắc tiếp tục kiềm chế Trung Quốc – đặc biệt trên lĩnh vực công nghệ. Vì vậy Mỹ sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho C919.

Nhà phân tích Vưu Lộ Nhã thuộc công ty đánh giá thị trường Bocom International cho rằng COMAC sắp tới phải tìm thêm nhà cung cấp bên châu Âu nhằm đề phòng nguy cơ nguồn cung Mỹ bị cắt. Tập đoàn không thể nào dựa vào nguồn cung nội địa.

Cẩm Bình