Cà Mau: Xã lý giải con đường gần 3 tỉ xuống cấp sau 7 tháng là tại trời mưa
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:34, 16/11/2020
Theo báo cáo của UBND xã Tân Ân, những vấn đề mà Một Thế Giới phản ánh là đúng. “Trong quá trình thi công công trình này có thời điểm trời mưa. Khi thi công có che chắn xung quanh vị trí thi công nhưng việc tự ý xé rào chắn bảo vệ để tham gia giao thông quá sớm của người dân trong khi kết cấu bê tông chưa đảm bảo nên có một vài nơi xảy ra hiện tượng bong tróc. Hiện tại công trình vẫn còn trong thời gian bảo hành”, nội dung báo cáo nêu.
Con đường trên được xây dựng vào những cuối năm 2019 và đưa vào sử dụng vào những tháng đầu năm 2020 - thời điểm này đang là mùa khô nên thời tiết không có mưa. Khi PV hỏi ông Trần Thanh Đồng, Phó chủ tịch UBND xã Tân Ân (người ký báo cáo) việc địa phương đổ lỗi do mưa và dân đi lại sớm thì địa phương có lập biên bản đối với những người tự ý phá rào chắn công trình để đi lại hay không? Ông Đồng cho biết: “Đoạn lộ này khi làm có các cơn mưa rào nhỏ”. Riêng câu hỏi về việc dân tự ý phá rào để đi sớm thì địa phương có lập biên bản hay không thì ông Đồng không trả lời được.
Ghi nhận của PV mặc dù con đường có chiều dài chỉ hơn 1,1 km nhưng có khoảng một nửa đoạn đường đã có dấu hiệu bong tróc, đá mi lòi lõm mặt đường, chứ không phải một vài chỗ như báo cáo của UBND xã Tân Ân. Dư luận cho rằng trước khi xây dựng một công trình, đơn vị thi công, chủ đầu tư phải có tính toán như thế nào để đảm bảo chất lượng công trình một cách tối ưu nhất. Đằng này khi mới đưa vào sử dụng được vài tháng thì xảy ra xuống cấp, địa phương lại không nhìn nhận trách nhiệm mà đổ lỗi do… mưa và người dân đi sớm.
Làm việc với PV, ông Trịnh Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Ân thông tin: “Tôi có đi quan sát thấy có đá nổi lên mặt lộ, do tuyến này có cây xăng, nên khi lộ khô ráo thì dân phá rào lưu thông để mua xăng dầu. Về chất lượng thì xã không thẩm định được, Phòng Kinh tế - Hạ tầng là cơ quan chuyên môn, nếu có yêu cầu thì họ sẽ thẩm định lại. Do tôi mới về nhận nhiệm vụ nên việc chọn đơn vị thi công không có năng lực, kinh nghiệm rồi bán lại cho đơn vị khác thi công thì tôi chưa nghe nói. Vấn đề này tôi xin ghi nhận, sẽ rà soát lại. Do còn hạn bảo hành nên địa phương sẽ yêu cầu đơn vị thi công trám lắp lại những vị trí bong tróc”.
Như Một Thế Giới đã thông tin, công trình nâng cấp, mở rộng tuyến lộ giao thông nông thôn (GTNT) từ cầu Nhà Phiếu - bến phà Ông Trung (ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, H.Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) có chiều dài hơn 1,1 km, với tổng mức đầu tư gần 3 tỉ đồng. Con đường vừa mới được nghiệm thu, đưa vào sử dụng 7 tháng thì đã có dấu hiệu bong tróc, mặt đường lòi lõm đá mi đã khiến cho người dân nghi ngờ về chất lượng cũng như tuổi thọ của công trình này.
Vốn đầu tư xây dựng công trình này từ nguồn vốn xây dựng Nông thôn mới do UBND xã Tân Ân làm chủ đầu tư. Mặc dù công trình có giá trị gần 3 tỉ đồng nhưng không qua đấu thầu mà được chủ đầu tư chỉ định cho đơn vị thi công là một nhóm thợ ở địa phương, người đứng tên nhóm thợ này là ông Mã Văn Giàu. Trao đổi với PV đại diện phía thi công thông tin: “Công trình đó đã nghiệm thu lâu rồi, xong hết rồi. Tôi đang đi công tác ở Hà Nội nên không có nhà, có gì em liên hệ chỗ chủ đầu tư đi”.
Trao đổi với PV đại diện chủ đầu tư công trình đã thừa nhận, con lộ đã bong tróc một số vị trí. “Hiện lộ xuất hiện bong tróc nhưng vẫn còn bảo hành, địa phương đang giữ số tiền bảo hành đến vài trăm triệu. Chất lượng theo giám sát của ban giám sát cộng đồng, chủ đầu tư, người dân thì luôn có mặt hằng ngày trong quá trình thi công. Sắp tới, địa phương sẽ yêu cầu đơn vị thi công bảo hành lợp lại những nơi bong tróc lớp mặt lộ”, ông này nói.
Đại diện chủ đầu tư thừa nhận nhóm thợ này trước giờ đã thi công nhiều nơi nhưng chỉ làm những công trình nhỏ từ vài trăm triệu đồng đến khoảng 1 tỉ đồng. Đây là lần đầu tiên đơn vị này nhận thi công công trình lớn, với tổng mức đầu tư khoảng 3 tỉ đồng. Công trình này cũng là công trình lớn nhất do xã Tân Ân làm chủ đầu tư từ trước đến nay.