Đâm chết người khi cứu vợ bị bắt cóc, chồng có được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự?
Sự kiện - Ngày đăng : 16:20, 16/11/2020
10 giờ 7 ngày 15.11, nam thanh niên đội nón lưỡi trai đi vào quán cà phê Tâm Giao nằm ven quốc lộ 53, đoạn qua xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Không lâu sau đó, hắn bất ngờ kéo lê chủ quán là chị Võ Thị Thúy Hằng (sinh năm 1991) ra ngoài, định đưa lên ô tô. Thấy chị Hằng la hét thất thanh, hai đồng bọn của gã này từ ô tô biển số 72A-215.22 chạy vào quán hỗ trợ bắt giữ người trái phép.
Một kẻ khác cầm bình xịt hơi cay vào anh Trần Ngoại Giao (sinh năm 1990, chồng chị Võ Thị Thúy Hằng) lúc này đang chạy ra giải cứu vợ.
Anh Giao tri hô: “Cướp, cướp, cướp…” thì gã cầm bình xịt hơi cay chạy từ ô tô xuống và đóng cổng quán cà phê.
Sau đó, anh Giao cầm cây sắt có đầu nhọn chạy ra ngoài theo lối khác và đâm vào nhóm bắt cóc vợ mình. Hậu quả làm một người chết tại chỗ và hai gã bị thương. Sau khi xảy ra sự việc, anh Giao đã đến đầu thú tại Công an xã Long An.
Ngày 16.11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long làm rõ vụ án mạng gây xôn xao dư luận. Công an đã xác định được danh tính 6 người liên quan đến vụ án, thu giữ nhiều hung khí.
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), trong trường hợp nhóm đến bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm đến thân thể, sức khỏe của chị vợ, khi anh chồng yêu cầu thả người nhưng họ không làm theo mà còn sử dụng hung khí, công cụ hỗ trợ tấn công lại anh chồng thì pháp luật cho phép người đàn ông này có quyền phòng vệ, tự vệ (được chống trả một cách cần thiết, triệt tiêu sức tấn công của đối phương để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho bản thân mình và cho vợ mình).
Miễn truy cứu trách nhiệm hình sự khi nào?
Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hành vi phòng vệ chính đáng như sau:
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Trong tình huống này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi “chống trả lại” này là cần thiết hay không, có vượt quá khả năng mà pháp luật cho phép hay không.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi là phòng vệ chính đáng, việc sử dụng vũ khí, chống trả một cách cần thiết thì sẽ phải loại trừ trách nhiệm hình sự, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh Trần Ngoại Giao (dù có người đã thiệt mạng và thương tích).
Bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi nào?
Để xác định hành vi “chống trả lại” có cần thiết hay không, có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không thì cần làm rõ tương quan lực lượng giữa hai bên, vũ khí, công cụ mà hai bên sử dụng, hành vi và động cơ mục đích của hành vi, hậu quả để lại thì mới có cơ sở để xác định sự việc có bản chất pháp lý như thế nào, làm cơ sở để áp dụng pháp luật.
Trong trường hợp anh chồng được phép sử dụng vũ lực nhưng đã có hành vi chống trả quá mức cần thiết, ví dụ như nhóm kia đã bỏ chạy, không còn nguy hiểm nữa nhưng vẫn tiếp tục đuổi theo, tấn công gây thương tích hoặc thiệt mạng cho họ thì hành vi này là giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc hoặc giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh. Với tình huống này, anh Giao sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh tương ứng.
Trường hợp hành vi của nhóm đó là bắt giữ người trái pháp luật, có dấu hiệu phạm tội quả tang thì chồng của nạn nhân cũng có quyền bắt giữ, có quyền dùng vũ lực trong phạm vi pháp luật cho phép theo Điều 24 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội
1. Hành vi của người để bắt giữ kẻ phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
2. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định, hướng dẫn tại Điều 157 Bộ luật hình sự số 2015, cụ thể như sau:
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người thi hành công vụ;
d) Phạm tội 2 lần trở lên;
đ) Đối với 2 người trở lên;
e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Làm cho gia đình người bị giam, giữ lâm vào tình trạng khó khăn, quẫn bách;
h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật chết hoặc tự sát;
b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật 46% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.