Cách Campuchia dẹp nạn đua xe
Góc bình luận - Ngày đăng : 08:32, 17/11/2020
Ngày 8.11.2020, có thanh niên chạy xe máy "độ" không biển số tốc độ cao, không biển số, vượt đèn đỏ. Khi đuổi theo xe khách đã đâm vào hai vợ chồng đi xe máy tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Người vợ chết tại chỗ, người chồng và nam thanh niên chạy xe "độ" chết trên đường đi cấp cứu. Những người chứng kiến cho biết, nam thanh niên vượt đèn đỏ gây tai nạn đang tham gia đua xe cùng một nhóm thanh niên. Một lần nữa, đua xe lại khiến dư luận bất bình.
Đua xe, vấn đề giao thông nhức nhối đang có chiều hướng gia tăng quan ngại. Báo chí đã tốn nhiều giấy mực. Không ít hội nghị, hội thảo được tổ chức. Có cả nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt. Cảnh sát giao thông cũng rất nỗ lực nhưng tệ nạn không hề suy giảm. Gọi là tệ nạn bởi gây không ít hậu quả tai hại.
Theo Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, 6 tháng đầu 2020; các lực lượng chức năng đã xử lý 125 vụ với 1.148 người tụ tập điều khiển mô-tô chạy tốc độ cao, lạng lách đánh võng, gây mất trật tự công cộng và có dấu hiệu đua xe trái phép. Công an các địa phương đã khởi tố 6 vụ, 58 người vi phạm. Nghĩa là chỉ 5%vụ và người đua xe bị khởi tố.
Mức phạt kịch khung chỉ 20.000.000 đồng với xe gắn máy và 30.000.000 đồng với ô tô. Cổ vũ, lạng lách, đánh võng bị phạt từ 1 – 2.000.000 đồng. Những mức phạt quá nhẹ. Việc tịch thu phương tiện đua xe là chuyện “xưa nay hiếm”, dù nghị định cho phép. Chưa kể vì quen biết, cả nể, vì nhiều lý do tế nhị nên xử lý kiểu “Dĩ hòa vi quý”, “Giơ cao đánh khẽ”.
Rõ ràng, các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh để răn đe. Biết đua xe có thể gây tai nạn chết người mà vẫn tham gia, phải qui vào tội hình sự nặng hơn, thậm chí trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể quy tội “Giết người”. Hình phạt phải mang tính răn đe cao hơn và không có biệt lệ kiểu gửi gắm, xin xỏ, thông cảm và cả hối lộ. Với các em vị thành niên, phải truy cứu trách nhiệm gia đình và chủ phương tiện
Nếu chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, hô hào, kêu gọi sự tự giác và xử phạt như lâu nay, chắc chắn nạn đua xe sẽ sinh sản vô tính và ngày càng tồi tệ. Các cách làm cũ đã lỗi thời, không hiệu quả. Như bệnh nặng bị lờn thuốc nên cần những liệu pháp mới, mạnh đô hơn. Nạn đua xe, nước nào cũng có, vì đó là xu hướng “chứng tỏ bản lĩnh”, “chơi nổi” của tuổi trẻ thừa năng lượng, thiếu chín chắn.
Quan trọng là điều tiết sự tăng động tuổi trẻ đúng nơi, đúng chỗ. Cần có chỗ đua xe hợp pháp cho các bạn trẻ thi thố sở trường. Cần có nhiều khu trò chơi cảm giác mạnh, an toàn để tuổi trẻ xả năng lượng dư thừa, được đám đông thừa nhận. Đó là những môn thể thao lành mạnh, rèn luyện tinh thần thép, tính kỷ luật, ý chí vượt qua chính mình. Các nước phát triển đều làm vậy. Muốn bớt cỏ dại, phải trồng thêm hoa
Những nước nghèo hơn như Campuchia cũng giải quyết nạn đua xe rất hiệu quả. Các quái xế Khmer vừa hí hửng tổ chức vài chuyến là bị dập tan tành. Khi vấn nạn vừa hình thành, Thủ tướng Hunsen ra lệnh, chứ không yêu cầu hay đề nghị “Tịch thu tất cả các phương tiện tham gia, phạt gấp đôi vi phạm”.
Theo lời kể của Thứ trưởng du lịch Campuchia Chandara, Hunsen còn nhắc nhở: “Cán bộ nào có con em tham gia đua xe, hoặc quậy phá; tự giác từ chức, nếu không muốn bị cách chức. Lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm tương tự”. Tự giác từ chức còn hy vọng được phục chức hoặc bố trí việc khác. Cách chức là hết đường. Việc này được đài Phát thanh, đài Truyền hình Campuchia tường thuật.
Sau lệnh đó, các thuộc cấp ra sức thực hiện vì không muốn bị kỷ luật hay cách chức. Nạn đua xe và quậy phá ở xứ sở Angkor, cả chục năm nay, một đi không trở lại. Họ cho rằng đó là việc đơn giản nên giải quyết nhẹ tênh, không tốn kém cả thời gian, tiền bạc lẫn công sức.
Để đua xe tái diễn, trách nhiệm trước hết thuộc ngành quản lý giao thông, chính quyền địa phương. So với nhiều vấn đề nhức nhối khác như kẹt xe, ngập nước, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, cướp giật…; đua xe là chuyện nhỏ mà làm mãi chưa biết bao giờ dứt điểm.
Chuyện nhỏ phải xong, thì mới tính được việc lớn.
Xóa sổ đua xe, không khó, nếu chịu làm tới cùng.