Nhớ thầy giáo – nhà thơ Cao Văn Tín: Nào hay cơn gió vô tình

Văn hóa - Ngày đăng : 11:14, 19/11/2020

Thầy giáo – nhà thơ Cao Văn Tín nối nghiệp cha mình để bước lên bục giảng, có cả niềm tự hào và có cả nỗi băn khoăn: “Bước vào nghề/ Lắm chông chênh/ Cũng là số phận/ Gập ghềnh mà thôi”.
nao-hay-con-gio-vo-tinh.jpg
Nào hay cơn gió vô tình - tập thơ duy nhất Nhà giáo - nhà thơ Cao Văn Tín để lại cho đời do NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành tháng 11.2020

Nhà giáo – nhà thơ Cao Văn Tín sinh 1955, quê Hoà Tân, Đông Hoà, Phú Yên. Ông dạy học từ 1976 tại quê nhà trong suốt 41 năm cho đến khi về hưu. Sinh thời ông là người thầy truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò về tình yêu văn chương, sau này học trò của ông trở thành những nhà báo, nhà văn, nhà phê bình như Trần Hoàng Nhân, Lê Thiếu Nhơn.

Thầy giáo Cao Văn Tín qua đời vào năm 2018, ông để lại cho đời hơn 200 bài thơ. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, để tưởng nhớ người thầy, các học trò của ông tập hợp lại và cho ra mắt tập thơ Nào hay cơn gió vô tình (NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành tháng 11.2020).

Nhà giáo Cao Văn Tín là thầy dạy môn Văn cho tôi ở bậc trung học cơ sở. Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là một người thầy có vóc dáng bệ vệ, nụ cười đôn hậu và đôi mắt khắc khoải buồn. Thế nhưng, ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về nhà giáo Cao Văn Tín là một người thầy đã đọc thơ minh họa cho bài giảng.

Tôi còn nhớ, buổi giảng văn Người thiếu phụ Nam Xương, nhà giáo Cao Văn Tín đã đọc một bài thơ liên quan đến câu chuyện, khiến học trò chúng tôi rất thích thú. Hết giờ học, tôi chạy theo hỏi: “Bài thơ của thầy, phải không ạ?”. Thầy chỉ cười nhẹ. Lúc ấy, tôi đã hơi nghi ngờ nhà giáo Cao Văn Tín là một thi sĩ, nhưng chỉ đành “kính nhi viễn chi”.

Tôi vào đời, theo nghề cầm bút. Thỉnh thoảng có dịp gặp lại nhà giáo Cao Văn Tín ở quê nhà Phú Yên, tôi luôn kèm theo câu hỏi mỗi khi chào thầy cũ: “Dạo này thầy có viết gì không?”. Thầy chỉ cười nhè nhẹ như năm xưa. Thế nhưng, tôi cũng đã đủ khôn lớn để nhìn theo dáng đi của thầy cũ trước những phút giây hạnh ngộ vội vàng. Tấm lưng to bè của thầy, vừa có vẻ ung dung vừa có vẻ nhẫn nại. Người thầy dạy văn tài hoa của tôi, đã khiêm nhường giấu mình đi vì ái ngại những bon chen danh lợi trên cuộc đời nhiều đắm say lắm cay cực chăng?

Bây giờ, thầy không còn nữa. Tôi phát hiện trong di cảo của ông có bài thơ viết về Người thiếu phụ Nam Xương mà ngày nào ông đã đọc cho chúng tôi nghe: “Xót xa chuyện cũ/ Thương cho má hồng/ Ngày xưa mệnh bạc/ Tìm đến dòng sông/ Nước rửa sạch không/ Kiếp đời giông gió?”. Bao nhiêu năm qua, nhà giáo Cao Văn Tín vẫn lặng lẽ làm thơ, những câu thơ vỗ về và an ủi, những câu thơ nhẹ nhàng và mát lành. Tôi nghẹn ngào đọc thơ của thầy giáo cũ, để hiểu thêm tấm lưng to bè vừa có vẻ ung dung vừa có vẻ nhẫn nại: “Tôi không nghe tiếng thương khóc nỉ non/ Tôi không nghe lời bi ai huyền thoại/ Tôi chỉ thấy cái cò cúm rúm, co ro, cam chịu đến nao lòng”.

Nhà giáo Cao Văn Tín nối nghiệp cha mình để bước lên bục giảng, có cả niềm tự hào và có cả nỗi băn khoăn: “Bước vào nghề/ Lắm chông chênh/ Cũng là số phận/ Gập ghềnh mà thôi”. Vượt lên mọi thử thách và mọi ngổn ngang, nhà giáo Cao Văn Tín vẫn có được những tháng năm trọn vẹn với phấn trắng bảng đen, với đồng nghiệp và học trò: “Cuộc đời đâu là mơ/ Ân tình đâu là thơ/ Tôi vẫn chờ vẫn đợi/ Tôi cứ dại và mơ”.

cao-van-tin.jpg
Nhà giáo - nhà thơ Cao Văn Tín

Nhà giáo Cao Văn Tín làm thơ nhiều nhất ở giai đoạn chống chọi với bạo bệnh. Ông đã tựa vào gia đình và thi ca để đối mặt định mệnh trớ trêu, đúng như một ghi chú của ông: “Buổi chiều, được tin khối u giảm nhiều, không di căn. Mừng quá, và thơ ra đời”. Ở lằn ranh sinh tử, phẩm chất thi sĩ của nhà giáo Cao Văn Tín đã hiển lộ khá đầy đủ. Ông nhận ra “sông cũng nằm chờ/ mây qua đầu ngõ” để thảng thốt “Đời đìu hiu mờ tối/ Tự bó gối mà thôi/ Bay ngang qua đỉnh trời/ Ta biến thành giọt lệ”.

Hơn 200 bài thơ trong di cảo của nhà giáo Cao Văn Tín, khiến tôi giật mình. Ông đích thực là một nhà thơ. Ông có những câu thơ thật run rẩy “áo đỏ em ngồi/ bối rối tầm xuân”, và ông có những câu thơ liên tưởng xa rộng “thuyền xa bờ, gió đẩy biển về đâu”. Cảm giác thường xuyên xuất hiện nhất trong nhà giáo - nhà thơ Cao Văn Tín chính là sự bịn rịn xen lẫn hoang mang: “Đường trăng/ Mùa cũ xa mờ/ Chỉ nghe tiếng thở/ Bên bờ vọng sang”.

Nhà giáo - nhà thơ Cao Văn Tín bộc bạch: “Tôi tự tôi một cánh diều/ Thả lên từ bé với nhiều ước mơ/ Thế là tôi nợ cơn mê/ Ngay từ khi kéo diều về với tôi/ Bồng bềnh nhìn đám mây trôi/ Bồng bềnh ráng đỏ bên trời hắt hiu/ Trên cao tiếng nhạn kêu chiều/ Trần gian tôi nợ ít nhiều hoàng hôn”. Ông tự thú “nợ cơn mê” và “nợ ít nhiều hoàng hôn”, còn tôi và nhiều người khác đã nợ ông một bẽ bàng: Chúng tôi đi qua cuộc đời nhà giáo - nhà thơ Cao Văn Tín, mà không hay biết mình đã thờ ơ với một tâm hồn cao đẹp “đu đưa theo cánh võng/ nghĩ thương người long đong”. Chúng tôi đã dửng dưng và hấp tấp, không có cơ hội chia sẻ những phẩm chất thi sĩ của ông khi ông tại thế.

Thế nhưng, với tập thơ này, tôi tin nhà giáo - nhà thơ Cao Văn Tín sẽ còn ở lại với cõi nhân gian, sẽ còn ở lại với bao nhiêu bạn bè và học trò của ông. Bởi lẽ, tấm lưng to bè vừa có vẻ ung dung vừa có vẻ nhẫn nại của ông dù đã chìm vào kỷ niệm mù khơi, vẫn gửi lại một tấm lòng trìu mến: “Này em, cơn gió vô tình/ Một hôm dừng lại trên cành tầm xuân/ Mây cao vây núi điệp trùng/ Riêng trăng chỉ biết ngại ngùng nhìn xa”.

Lê Thiếu Nhơn