Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand yêu cầu Trung Quốc thôi đàn áp các nhà lập pháp Hồng Kông
Quốc tế - Ngày đăng : 14:09, 19/11/2020
“Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách trung ương Trung Quốc xem xét lại các hành động của họ chống lại cơ quan lập pháp được bầu của Hồng Kông và ngay lập tức phục hồi các thành viên hội đồng lập pháp”, ngoại trưởng Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand cho biết trong một tuyên bố chung.
Theo Reuters, Hồng Kông đã trục xuất 4 thành viên đối lập khỏi cơ quan lập pháp của mình vào tuần trước sau khi Trung Quốc trao cho chính quyền thành phố quyền hạn mới để kiềm chế bất đồng. Động thái này đã khiến các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ của Hồng Kông từ chức hàng loạt, đồng thời làm phương Tây báo động thêm về mức độ tự trị của Hồng Kông, được hứa hẹn theo công thức “một quốc gia, hai hệ thống” khi Anh chấm dứt chế độ thuộc địa và trao thành phố này lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
“Hành động của Trung Quốc là sự vi phạm rõ ràng các nghĩa vụ quốc tế của nước này theo tuyên bố chung Trung-Anh, do Liên hợp quốc đăng ký”, Five Eyes nói.
Dẫu vậy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông cho biết bất kỳ nỗ lực nào của các nước ngoài nhằm đe dọa hoặc gây áp lực buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ đều "thất bại".
“Quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích an ninh và phát triển của mình là không thể lay chuyển”, Bộ này tuyên bố.
Anh hiện coi Trung Quốc đã vi phạm tuyên bố chung ba lần, bao gồm cả luật an ninh quốc gia với Hồng Kông được đưa ra trong năm nay.
Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga và các quan chức Trung Quốc khác về cuộc đàn áp, đồng thời cảnh báo về các bước tiếp theo.
Cảnh sát Hồng Kông cho biết đã bắt giữ ba nhà lập pháp cũ vào sáng 18.11 sau các vụ việc tháng 5 và tháng 6, trong đó chất lỏng có mùi hôi được ném vào cơ quan lập pháp của thành phố, một hành động mà cảnh sát cho là nhằm gây hại.
Trung Quốc phủ nhận việc hạn chế các quyền và tự do tại Hồng Kông. Thế nhưng, chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh đã nhanh chóng trấn áp bất đồng quan điểm sau khi các cuộc biểu tình chống chính quyền bùng lên vào tháng 6 năm ngoái và khiến thành phố rơi vào khủng hoảng.
Cách đây hơn 1 tuần, bốn nhà lập pháp thuộc phe ủng hộ dân chủ đã bị mất tư cách nghị sĩ Hội đồng Lập pháp ngay lập tức sau khi Bắc Kinh thông qua “Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc về vấn đề tư cách của nghị sĩ Hội đồng Lập pháp Đặc khu Hành chính Hồng Kông”.
Theo đó, nghị quyết này cho phép chính quyền Hồng Kông truất ghế lập tức các nghị sĩ của cơ quan lập pháp bị cho là thúc đẩy hoặc ủng hộ khái niệm độc lập Hồng Kông, từ chối tán thành Trung Quốc tiếp quản chủ quyền với Hồng Kông, tìm kiếm hoặc lôi kéo thế lực nước ngoài can thiệp vào công việc của đặc khu và tham gia hành vi gây tổn hại cho an ninh quốc gia.
“Sẽ không có tương lai cho cơ quan lập pháp này. Việc không đạt tiêu chuẩn sẽ khiến cơ quan lập pháp của Hồng Kông hoạt động kém hiệu quả”, ông Leung, 1 trong 4 nghị sĩ bị truất quyền, bày tỏ.
Sau đó, tất cả các nhà lập pháp còn lại theo khuynh hướng dân chủ của Hồng Kông tuyên bố từ chức để phản đối nghị quyết của quốc hội Trung Quốc.
Các nghị sĩ cho rằng nghị quyết của quốc hội Trung Quốc là "lố lăng", đồng thời cảnh báo việc Bắc Kinh từ bỏ hoàn toàn luật cơ bản, vốn được coi như "tiểu hiến pháp" của Hồng Kông.
Động thái từ chức hàng loạt của 15 nhà lập pháp đồng nghĩa với việc cơ quan lập pháp Hồng Kông sẽ hoạt động mà không vấp phải sự đối lập nào trong suốt nhiệm kỳ kéo dài còn lại.
“Quyết định hôm nay là minh chứng rõ cho việc Bắc Kinh đã hoàn toàn từ bỏ hệ thống 'một quốc gia, hai chế độ'. Chúng tôi đã cố gắng hết sức trong 23 năm qua để giữ cho Trung Quốc thực hiện lời hứa tuân thủ nguyên tắc phổ thông đầu phiếu của mình. Chúng tôi sẽ tìm ra một con đường mới để tiếp tục đấu tranh cho dân chủ. Chúng tôi sẽ không bị đánh bại”, ông Wu Chi-wa, Chủ tịch đảng Dân chủ, đảng đối lập lớn nhất ở Hồng Kông, phát biểu tại cuộc họp báo hôm 11.11.
Hôm 14.8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản - Taro Kono nói Nhật mong muốn mở rộng quan hệ với liên minh chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes.
Dù không phải là thành viên chính thức, Nhật Bản vốn đã chia sẻ thông tin với nhóm này. Bộ trưởng Quốc phòng Kono nhấn mạnh rằng việc Nhật trở thành thành viên của Five Eyes sẽ cho phép nước này chia sẻ thông tin ở giai đoạn sớm hơn và cũng có được thông tin tình báo tuyệt mật.
“Những nước này cùng chia sẻ những giá trị chung. Nhật Bản có thể tiến gần hơn tới liên minh, thậm chí đến mức được gọi là Six Eyes”, ông Kono nói.
Five Eyes là liên minh chia sẻ thông tin tình báo quốc tế giữa các nước có mối quan hệ lịch sử - văn hóa sâu sắc, gắn với di sản Anglo-Saxon và đều sử dụng chung ngôn ngữ là tiếng Anh.