Các nước trên thế giới đã làm gì để thúc đẩy hoạt động tái chế chất thải rắn?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:41, 19/11/2020

Trong Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019 về Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (của Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã dẫn chứng khá nhiều kinh nghiệm từ quốc tế về việc tái chế, tái sử dụng chất thải rắn.

Thúc đẩy thị trường tái chế, tái sử dụng

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019 về Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, ở Châu Âu, thị trường tái chế chất thải rắn có sự tham gia của các hiệp hội là tổ chức đại diện của các công ty, đơn vị sản xuất như Hiệp hội các ngành công nghiệp giấy (CEPI), Hiệp hội nhà máy đốt năng lượng để phát điện (CEWEP)… Các hiệp hội có nhiệm vụ liên kết các thành viên về nhu cầu và khả năng cung cấp các nguồn cung từ các nguồn khác nhau.

Ở Canada đã hình thành một thị trường tái chế chất thải với sự tham gia của các chủ thể thực hiện thu gom chất thải, các nhà máy tái chế, tới nhu cầu sử dụng của các đơn vị như công ty dệt, sản xuất đồ hộp... Một thị trường với sự tham gia của các chủ thể như trên dựa trên nhu cầu về nguồn cung các sản phẩm tái chế, nhu cầu về sử dụng các sản phẩm tái chế. Để duy trì hoạt động của thị trường này, các nước đều có các quy định mang tính bắt buộc và mang tính khuyến khích, hỗ trợ để duy trì và phát triển thị trường.

Để giải quyết nhu cầu sử dụng các sản phẩm, nguyên liệu tái chế làm đầu vào cho hoạt động sản xuất, một số nước có quy định mức tỷ lệ tái chế tối thiểu có tại các đơn vị sản xuất. Cụ thể, Báo cáo trích dẫn: “Để kết nối được các đơn vị tái chế, tái sử dụng chất thải với các đơn vị có nhu cầu sử dụng, các nước như Canada, các nước ở Châu Âu thành lập các đơn vị trung gian, môi giới, kết nối thông tin”.

Ngoài ra, các nước cũng có cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm từ tái chế chất thải, trước tiên là khuyến khích thực hiện thông qua chương trình mua sắm công. Nhà nước và các cơ quan Chính phủ sẽ là nhóm khách hàng tiêu thụ các sản phẩm này, tiếp đó là tới doanh nghiệp, người dân. Việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tái chế là giải pháp cơ bản để thúc đẩy hoạt động tái chế chất thải…

xu-ly-chat-thai-ran.jpg
Ảnh: Internet

Tiếp cận theo phương thức kinh tế tuần hoàn

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nêu rằng có 3 lựa chọn giải pháp công nghệ phổ biến trên thế giới cho việc xử lý chất thải rắn (chôn lấp, tái chế và thu hồi năng lượng). So sánh tác động môi trường của 3 giải pháp này cho thấy phát thải CO2 từ chôn lấp là lớn nhất (> 1,2 tấn CO2 /tấn chất thải rắn sinh hoạt), tiếp đến là tái chế (~75% chôn lấp) và ít nhất là thu hồi năng lượng (~20% chôn lấp). Chi phí đầu tư cho chôn lấp thấp nhất và lớn nhất là thu hồi năng lượng (lớn hơn chôn lấp 54%).

Ở Đan Mạch, chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm thu gom và xử lý chất thải rắn. Luật của Đan Mạch cấm đốt những chất thải có thể tái chế được. Các địa phương có thể đổ chất thải có thể tái chế được ở những trung tâm tái chế, mà không phải trả lệ phí. Tuy nhiên, họ sẽ bị phạt nặng nếu đưa chất thải có thể tái chế được vào lò đốt.

Tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, trong thời gian tới, Báo cáo nhấn mạnh: “Việt Nam cần tiếp tục thay đổi tư duy, nhận thức về quản lý chất thải rắn; thực hiện nguyên tắc coi chất thải là tài nguyên; tiếp cận theo phương thức kinh tế tuần hoàn; tăng cường giảm thiểu phát sinh, thúc đẩy tái chế, thu hồi năng lượng và giảm tối đa lượng chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp”.

Bên cạnh đó, tiếp cận và triển khai kinh tế tuần hoàn là xu hướng chung của toàn cầu, được chứng minh thành công ở nhiều quốc gia như Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…. Đặc biệt, ở một số nước Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển, mô hình kinh tế tuần hoàn đã đem lại hiệu quả cao, xử lý triệt để chôn lấp chất thải rắn…

Thu Anh