Để tận dụng cơ hội từ EVFTA cần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:04, 20/11/2020
Dư nợ cho vay 27.000 tỉ chưa phải con số mong đợi
Tại hội thảo “Hiệp định EVFTA - Vai trò của ngân hàng trong hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu vào thị trường EU” diễn ra sáng 20.11, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tổng dư nợ của nền kinh tế hiện nay khoảng hơn 9 triệu tỉ đồng.
Theo ông Tú, tốc độ năm 2020 có thể chậm hơn so với các năm trước do COVID-19 cũng như tác động của thiên tai, bão lũ. Lĩnh vực cho vay nông nghiệp - nông thôn chiếm khoảng 2,16 triệu tỉ. Trong đó có 27.000 tỉ cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; 5.000 tỉ cho những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết giá trị.
“Điều cần quan tâm là làm sao dòng vốn phải hướng vào nông nghiệp công nghệ cao, hướng vào chuỗi giá trị, bởi EVFTA là một “con đường” thênh thang cho các doanh nghiệp. Chúng ta tận dụng được chính sách ưu đãi thuế của các nước EU nhưng cũng không ít trở ngại cho doanh nghiệp”, ông Tú nói và cho rằng phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp là sống còn, từ trước khi có EVFTA.
Ông Đào Minh Tú thông tin, đến nay, dư nợ cho nông nghiệp công nghệ cao mới đạt 27.000 tỉ và chưa phải là con số mong đợi. Cách đây 4 năm, tại một hội nghị ở TP.HCM, Thủ tướng đã giao cho ngành ngân hàng có ngay gói 50.000 tỉ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Sau đó, Thủ tướng có giao thêm 1 con số nữa là 100 nghìn tỉ. Các ngân hàng cũng đã rất hưởng ứng con số 100 ngàn tỉ đó.
“Thế nhưng đến nay, dư nợ cho nông nghiệp công nghệ cao mới đạt 27.000 tỉ. Đây là con số mà ngành ngân hàng chúng tôi rất suy nghĩ”, ông Đào Minh Tú nói.
“Rõ ràng, chủ trương của Đảng và Nhà nước rất ủng hộ; cơ chế chính sách không thiếu; rồi có mạng lưới rộng khắp của các tổ chức tín dụng, vậy mà tại sao vốn vào 2 lĩnh vực nói trên vẫn chưa gia tăng được? Chưa phát triển nhanh được? Đây là vấn đề mà chúng ta phải thảo luận”, ông Tú nêu.
Bà Hà Thu Giang - Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng và Các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) thừa nhận rằng đầu tư tín dụng với các mô hình liên kết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế.
Theo bà Giang, việc đầu tư tín dụng đối với các mô hình liên kết còn nhiều hạn chế do hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, còn hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân.
Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực có vốn đầu tư lớn, tuy nhiên hiện nay số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận chưa nhiều; chưa có nhiều mô hình bài bản, hiệu quả, nguồn lực tài chính yếu; sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh…
Về giải pháp trong thời gian tới, theo bà Giang, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn, trong đó khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và chuỗi liên kết trong nông nghiệp; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; đơn giản hóa thủ tục vay vốn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay…
Cần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất
TS Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng để giúp nông dân, doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA, cần phải chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu sản xuất.
Trong đó, cơ cấu sản xuất được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế; Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm có sự thay đổi rõ nét, tăng tỉ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như thủy sản; rau, hoa, quả nhiệt đới; đồ gỗ và lâm đặc sản.
Ngành nông nghiệp cũng áp dụng quy trình sản xuất theo chuỗi tiên tiến, như quy trình sản xuất tiên tiến, chuẩn hóa (VietGAP, Global GAP...) được nhân rộng; chuyển mạnh mẽ từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết quy mô lớn theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời đồng bộ khung khổ thể chế (Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn...) xây dựng nền nông nghiệp thông minh, tối ưu hóa các nguồn lực. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
“Ngành nông nghiệp, thời gian vừa qua cũng tích cực phát triển hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi. Theo thống kê, đến tháng 10.2020, cả nước đã phát triển mô hình chuỗi với 1.636 chuỗi, bao gồm 2.346 sản phẩm và 2.991 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi. Có sự tham gia mạnh mẽ của hơn 13.038 doanh nghiệp, 16.000 hợp tác xã, trong đó nhiều tập đoàn sản xuất nông nghiệp lớn”, TS Toản nói.
Ngoài ra, cần tuyên truyền phổ biến người dân, doanh nghiệp về Hiệp định EVFTA; phổ biến các quy định kỹ thuật, rào cản kỹ thuật trong thương mại nông lâm thủy sản của thị trường EU; Nâng cao năng lực của các tổ chức nông dân, qua đó tăng cường năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường nội địa…
Bà Bùi Thị Thanh An - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết EU vốn nổi tiếng là một thị trường khó tính, các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, tem nhãn, bao bì đều quy định rất chặt chẽ, khắt khe. Vì vậy, công nghệ cao chính là then chốt giúp nông sản Việt Nam có thể đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao từ thị trường EU.
“Không đảm bảo được những điều kiện ngặt nghèo về chất lượng thì sẽ vô hiệu hóa các lợi thế mà EVFTA mang lại”, bà Bùi Thị Thanh An nói.
Theo bà Bùi Thị Thanh An, bên cạnh việc đầu tư công nghệ, các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU nên mời các tổ chức chuyên môn đánh giá chất lượng sản phẩm của mình, cung cấp các chứng nhận mà thị trường EU ưa thích như chứng chỉ về sản phẩm hữu cơ, thương mại công bằng, sản phẩm bền vững….
Để đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên môi trường số, bà Bùi Thị Thanh An cho hay gần đây, Bộ Công Thương đã triển khai các hình thức xúc tiến thương mại mới trên môi trường số để thay thế các hình thức xúc tiến thương mại truyền thống.
Cụ thể như tổ chức các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến trên các ứng dụng internet (webinar) giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu và giữa các doanh nghiệp với các tổ chức hỗ trợ kinh doanh; xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ thông tin; tuyên truyền quảng bá ngành hàng xuất khẩu...
Theo bà Bùi Thị Thanh An, các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí kết nối giao thương, duy trì quan hệ khách hàng với các đối tác nước ngoài đồng thời tiếp xúc với khách hàng mới trong hoàn cảnh không thể thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại trên thực tế ở nước ngoài…