Mặt hàng nào của Việt Nam sẽ bán chạy trong RCEP?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:05, 20/11/2020
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP) dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các nước đối tác. Hiệp định RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Bộ Công Thương cho biết việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội gia tăng xuất khẩu cho các sản phẩm như: viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp. Trong đó, hàng dệt may Việt Nam được đánh giá là có lợi thế cạnh tranh hơn hàng của Trung Quốc và cạnh tranh ngang bằng về giá với Campuchia.
Không chỉ vậy, hàng Việt Nam còn có lợi thế hơn các nước này về tay nghề cao, chất lượng bảo đảm. Thêm nữa, sau khi RCEP có hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam sẽ được hưởng thuế ưu đãi. Lúc này, cơ hội bứt phá với dệt may, da giày sẽ ngày càng cao.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết về chất lượng, tiêu chuẩn, hàng dệt may không đáng lo vì nhiều năm nay dệt may đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, EU... Các sản phẩm giày thể thao, giày vải và giày cao su của Việt Nam sẽ tăng xuất khẩu sau khi hiệp định có hiệu lực. Đây là những mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu đều nằm trong RCEP nhằm gia tăng khả năng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Úc, New Zealand và Hàn Quốc.
Mặt khác, Hiệp định RCEP cũng mang lại sức ép cạnh tranh hàng hóa cho Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc với lợi thế hàng hóa phong phú, giá rẻ cũng sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Vì vậy, ngay cả khi mặt hàng nông, thủy sản là thế mạnh của Việt Nam nhưng cũng chính là thách thức cạnh tranh trong khu vực RCEP này.
Vì vậy, Bộ Công Thương nhìn nhận: "Việc tham gia vào bất kỳ Hiệp định thương mại tự do nào với những thành viên có trình độ kỹ thuật cao hơn sẽ là thách thức lớn nhất với các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi mình, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm".
Với mặt hàng thủy sản thì trong khu vực RCEP, phần lớn các quốc gia có đặc điểm người tiêu dùng không quá khó tính, ngoại trừ 3 nước Nhật Bản, Úc và New Zealand, nhưng vấn đề lại đặt ra với quy tắc xuất xứ. Đối với các ngành thế mạnh của Việt Nam tại Hiệp định RCEP này, thủy sản Việt Nam nếu cải thiện sẽ là một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh và có thể xâm nhập mạnh vào các thị trường của các đối tác RCEP.
Ngoài ra, việc cam kết cắt giảm thuế quan của Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Úc và các nước ASEAN về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và của Hàn Quốc sau lộ trình cam kết 10-15 năm đối với phần lớn mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ mở ra cơ hội mới cho Việt Nam xuất khẩu mặt hàng có thể mạnh này vào thị trường các nước RCEP này một cách nhanh chóng hơn và thuận lợi hơn.
Hiệp định RCEP vừa được các nước ký kết vào ngày 15.11 vừa qua. Hiệp định sẽ có hiệu lực khi ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê chuẩn, chấp nhận hoặc phê duyệt Hiệp định. Với các nước còn lại, Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với các nước đó sau 60 ngày kể từ ngày nước này hoàn tất các thủ tục trong nước. Sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình. Đối với các cam kết thuế quan, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình sau 15-20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 85,6 % - 89,6% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho ta trong khoảng 90,7% - 92% số dòng thuế. | |