'Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta...'

Góc bình luận - Ngày đăng : 11:28, 11/01/2019

Theo Tuổi Trẻ Online ngày 9.1, “tại lễ tổng kết hoạt động của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam sáng nay 9.1, Chủ tịch liên hiệp Hữu Thỉnh vui mừng loan báo các hội vẫn tiếp tục được nhà nước hỗ trợ”.
Ông Hữu Thỉnh phát biểu sáng 9.1. Ảnh: Tuổi Trẻ

Ông Hữu Thỉnh thông báo với cử tọa “Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta”’, bởi vì "không thể để cho giới văn học nghệ thuật của chúng ta tự trang trải được đâu", và nếu nhà nước không “nuôi anh em chúng ta” nữa thì sẽ “biến đội quân sáng tạo tinh thần cho đất nước chỉ lo kiếm sống”!

Trong xã hội có ai không kiếm sống? Đã là sinh vật tất phải kiếm sống. Từ vi trùng cho tới cá, chim, cọp... có con nào không kiếm sống? Với quan điểm như vậy, ông Hữu Thỉnh đã không biết một qui luật rất phổ biến của sinh vật, đã trở thành kiến thức chung, là mỗi cá thể chỉ có hai hoạt động quan trọng: truyền giống và kiếm sống. Truyền giống là hoạt động chính, kiếm sống có mục đích tồn tại để truyền giống.

Con người không ra ngoài qui luật kiếm sống. Tính cộng đồng của loài người cao hơn các loài khác nên việc kiếm sống của con người có tính cộng đồng cao hơn. Trong xã hội ngày càng văn minh, con người có những qui định sao cho mỗi người kiếm sống một cách đàng hoàng, tự trọng. Người ta sống bằng các kỹ năng nghề nghiệp sao cho tổng “chi phí sống” của một người thấp hơn tổng giá trị người đó góp cho xã hội. Một người như vậy mới là người có ích cho xã hội.

Tiêu chuẩn nào đo lường việc “có ích cho xã hội”? Rất rõ ràng tiêu chuẩn đó là đa số người trong xã hội chấp nhận. Khi chấp nhận hoạt động của một người là có ích, họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua sảm phẩm, vật chất hay tinh thần, hàng hóa hay dịch vụ, của người đó. Đó là nguồn gốc của qui luật thị trường tự do, một qui luật rất công bình mà những can thiệp hay định hướng khác sẽ khiến thị trường bị méo mó và xã hội bị bốc lột bất công, từ đó mà nảy sinh nhiều dạng suy thoái!

Chính thị trường tự do, lành mạnh khiến người “có ích cho xã hội” có thể sống một cách đàng hoàng, thanh thản, tự hào về bản thân. Người sống bằng nghề “sáng tạo tinh thần” theo cách đó không phải băn khoăn gì về việc “kiếm sống”, bởi vì hai việc đó là một, “sáng tạo tinh thần” chính là phương tiện “kiếm sống” văn minh và có ích.

Nhà văn đúng nghĩa là một nhà trí thức. Trước hết phải là một người đàng hoàng, tự trọng, tự tin vào năng lực bản thân và có ích! Là trí thức, họ biết đồng tiền mình nhận được từ đâu, họ biết dân chúng, chứ không phải bất kỳ một định chế nào trong xã hội, mới làm ra tiền của cho xã hội. Lòng tự trọng không cho phép họ chấp nhận bị đánh giá “không thể tự trang trãi” được! Lòng tự trọng yêu cầu một người tự mình nuôi lấy mình chứ không chịu để cho bất kỳ người nào hay định chế nào nuôi mình!

Không nằm trong thành phần cử tọa, tai tôi vẫn văng vẳng lời nói của ông Hữu Thỉnh: “Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta”’!

Lê Học Lãnh Vân, ngày 10.1.2019