Đài Loan mong đợi gì ở Biden sau đàm phán với chính quyền Trump về KHCN và 5G?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:25, 21/11/2020
Tháng trước, Frank Jannuzi, phụ tá chủ chốt của Biden khi ông còn là thượng nghị sĩ ở Quốc hội, đã viết rằng Mỹ nên ưu tiên các cuộc đàm phán thương mại tự do với Đài Loan để khuyến khích Anh, Liên minh châu Âu và Nhật Bản làm theo.
Vào tháng 8, Đài Loan đã nới lỏng các hạn chế với nhập khẩu thịt lợn và thịt bò của Mỹ, vốn là trở ngại cho các cuộc đàm phán thương mại tự do.
Phát biểu tại Đài Bắc sau các cuộc đàm phán kinh tế Đài Loan – Mỹ, ông Ngô Tiếp Chiêu ghi nhận sự ủng hộ xuyên suốt với quyết định về thịt của Đài Loan cũng như lời kêu gọi vào tháng 10 của 50 thượng nghị sĩ Mỹ từ cả hai đảng để chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu đàm phán thỏa thuận thương mại với hòn đảo này.
“Tôi nghĩ sự ủng hộ của lưỡng đảng trên Đồi Capitol vẫn rất mạnh mẽ và tôi nghĩ rằng sự ủng hộ đó dành cho Đài Loan - Mỹ. Hiệp định thương mại song phương Mỹ - Đài Loan sẽ tiếp tục với chính quyền mới”, ông Ngô Tiếp Chiêu nói.
Các cuộc đàm phán hôm 20.11, trong hội nghị Đối thoại Đối tác Kinh tế Thịnh vượng mới, tập trung vào các lĩnh vực bao gồm khoa học và công nghệ, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, mạng 5G.
Trong cái gật đầu về tầm quan trọng của Đài Loan với tư cách là nhà sản xuất chip toàn cầu cho Apple, chính quyền bà Thái Anh Văn cho biết cả hai bên "xác nhận rằng hợp tác chiến lược trong ngành bán dẫn là ưu tiên chung".
Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới - đã công bố kế hoạch trong năm nay xây một nhà máy bán dẫn trị giá 12 tỉ USD ở bang Arizona (Mỹ), động thái mà Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết sẽ tăng cường độc lập kinh tế của Mỹ khỏi Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng hai bên đồng ý đàm phán một thỏa thuận khoa học - công nghệ, các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ giúp tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa họ và “cam kết chung của chúng tôi với thị trường tự do, tinh thần kinh doanh, tự do”.
Được tổ chức trực tuyến và trực tiếp tại Washington, cuộc đối thoại là một phần trong việc tăng cường can thiệp của chính quyền Trump với Đài Loan, điều khiến Bắc Kinh tức giận.
Trung Quốc coi Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình và không có quyền quan hệ chính thức với các nước khác. Trong khi nhà lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn tuyên bố Đài Loan là quốc gia độc lập với tên gọi Trung Hoa Dân Quốc và Trung Quốc chưa bao giờ cai trị Đài Loan nên không có quyền gì.
Hôm 20.10, tờ New York Times đưa tin người đứng đầu Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ, Andrew Wheeler sẽ đến Đài Loan vào tháng 12 trong chuyến thăm thứ ba của một quan chức cấp cao Mỹ kể từ tháng 8.
Trung Quốc rất tức giận khi Bộ trưởng Y tế Mỹ - Alex Azar đến Đài Bắc vào tháng 8, tiếp sau đó là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường - Keith Krach vào tháng 9, nên mỗi lần đều điều nhiều máy bay chiến đấu đến gần Đài Loan. Hành động này khiến lực lượng không quân của Đài Loan phải huy động máy bay phản lực ứng phó.
Ông Tô Trinh Xương, người đứng đầu nhánh hành pháp của Đài Loan, nói với các phóng viên rằng tương tác giữa Đài Loan – Mỹ ngày càng tăng.
“Theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Ngô Chiêu Tiếp, người đứng đầu Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ sẽ đến Đài Loan, thảo luận song phương về hợp tác quốc tế về các vấn đề bảo vệ môi trường”, ông Tô Trinh Xương cho hay.
Ông Tô Trinh Xương nói thêm, chuyến đi sẽ có lợi hơn nữa cho mối quan hệ giữa hai bên.
New York Times dẫn lời James Hewitt, phát ngôn viên của Andrew Wheeler, cho biết cơ quan này vẫn đang làm việc thông qua công tác hậu cần nhưng Wheeler đã được mời đến Đài Loan “để cộng tác về các vấn đề bao gồm sáng kiến Save our Seas, rác thải biển, chất lượng không khí và sức khỏe trẻ em”.
Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, thành viên đảng Cộng hòa, ủng hộ mạnh mẽ cho Đài Loan, bao gồm bán vũ khí, như muốn dằn mặt Trung Quốc.
Chính quyền Đài Loan hiện giảm bớt lo ngại rằng sẽ không được chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden, thành viên đảng viên Dân chủ, hậu thuẫn.
Các quan chức Đài Loan chỉ ra rằng sự ủng hộ với Đài Loan là lưỡng đảng ở Mỹ, và tuần trước, đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Washington đã nói chuyện qua điện thoại với Antony Blinken, người thân tín lâu năm của Biden.
Sau tin tức trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này phản đối tất cả hình thức tương tác chính thức giữa Mỹ và Đài Loan, đồng thời sẽ đưa ra phản ứng cần thiết với bất kỳ chuyến thăm nào tới hòn đảo của người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ.