Nhìn vào con số nhập siêu, RCEP với Việt Nam không chỉ có 'màu hồng'
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:05, 23/11/2020
Lo ngại từ những con số biết nói
Năm 2019, khi nhìn vào bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam với nhiều gam màu sáng, nhiều người đã "thở phào nhẹ nhõm" và hy vọng về một triển vọng với các FTA mà Việt Nam đã ký kết, trong đó bao gồm cả Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Tuy nhiên, khi nhìn sâu hơn vào cán cân thương mại của Việt Nam với các nước đối tác thì thấy rằng, Việt Nam đang thâm hụt thương mại rất lớn với các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc....
Với Trung Quốc, năm 2019, Việt Nam nhập siêu 33,8 tỉ USD với tỷ lệ tăng trưởng là 40%. Trong khi đó, Việt Nam nhập siêu 7 tỉ USD từ ASEAN, 27 tỉ USD từ Hàn Quốc, 0,9 tỉ USD với Úc... Tổng giá trị nhập siêu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Úc và New Zealand lên tới 69 tỉ USD.
Trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 37,9 tỉ USD và nhập khẩu 65,6 tỉ USD. Với Hàn Quốc, xuất khẩu 16 tỉ USD và nhập khẩu gần 37,5 tỉ USD. Trong khi đó, trao đổi thương mại với 9 thị trường ASEAN đạt 43,4 tỉ USD, xuất khẩu 19 tỉ USD và nhập khẩu 24,4 tỉ USD...
Nhìn vào các con số trên thì thấy rằng RCEP không chỉ có màu hồng khi Việt Nam là nước nhập siêu phần lớn từ các quốc gia trong RCEP - nơi mà các nền kinh tế đều hướng đến nhập khẩu.
Đáng nói, thương mại tự do cuối cùng là nhằm mục đích xuất khẩu sang nước khác. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức cho Việt Nam. Cơ hội là có nhiều thị trường, nhiều khách để bán hàng, nhưng thách thức chính là chất lượng thị trường. Lúc này xuất khẩu cái gì, cho ai và làm sao để gia tăng xuất khẩu bền vững theo hướng cho phép Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị, mà lại cân bằng được thương mại hai chiều xuất nhập khẩu... lại là bài toán đặt ra cho các nhà chức chức trách và doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa thừa nhận với báo chí rằng nhập siêu từ một số thị trường trong RCEP đang là nguy cơ hiện hữu. Bởi vì chưa cần có hiệp định này thì cơ cấu thương mại của Việt Nam với một số quốc gia đã mất cân đối. Ví dụ, nhập khẩu nguyên vật liệu của nhiều ngành như dệt may, da giày, thiết bị điện tử... đã lên tới hàng chục tỉ USD.
Hướng đi nào cho Việt Nam?
Nguy cơ là hiện hữu, vậy giá trị mà RCEP mang lại cho Việt Nam là gì? Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết RCEP mang lại giá trị trong việc giảm chi phí giao dịch, thu hút đầu tư nước ngoài cho Việt Nam.
So với các hiệp định khác thì các doanh nghiệp khó tận dụng được ưu đãi do có nhiều quy định khác nhau, nhưng với RCEP, khó khăn này sẽ giảm đi do chỉ dùng chung một bộ quy tắc duy nhất và cho phép cộng gộp hàm lượng từ tất cả các nước trong khu vực.
Vì vậy, ông Lương Hoàng Thái cho rằng RCEP sẽ không làm trầm trọng tình hình nhập siêu của Việt Nam mà sẽ cả thiện cho Việt Nam trong dài hạn. Theo đó, ông cho rằng nhập siêu là một yếu tố cần xem xét nhưng không phải là yếu tố duy nhất khi cân nhắc lợi ích của các FTA.
Làm sao để Việt Nam cân bằng cán cân thương mại với các nước? lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết trước tiên sẽ phải ưu tiên các cam kết cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng là nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Bởi vì hàng năm, Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 30 tỉ USD nguyên liệu, thiết bị sản xuất từ các nước ASEAN.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang nhập siêu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, đối với nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng như điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ô tô…. Việc ưu tiên cắt giảm thuế quan đối với nhóm các mặt hàng này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, qua đó tăng sức cạnh tranh cho các hàng hóa sản xuất trong nước liên quan.
Cùng với đó là phải tăng cường nội lực của doanh nghiệp trong nước bằng cách cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và cải thiện môi trường đầu tư. Điều này cũng sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất trong nước, tạo đà tham gia sâu hơn và ổn định hơn vào các chuỗi giá trị mới trong RCEP.