Cơ quan thuế làm mạnh với kinh doanh online qua Facebook, YouTube...
Kinh tế số - Ngày đăng : 14:21, 23/11/2020
Ngành thuế sẽ giám sát tài khoản ngân hàng của từng cá nhân
Cụ thể từ ngày 5.12 tới, Luật Quản lý thuế quy định ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế cho cơ quan thuế. Cụ thể, ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin bao gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản và ngày đóng tài khoản.
Việc cung cấp thông tin được thực hiện lần đầu trong thời gian 90 ngày kể từ ngày quy định có hiệu lực. Việc cập nhật các thông tin về tài khoản được thực hiện hàng tháng trong 10 ngày của tháng kế tiếp. Phương thức thực hiện là hình thức điện tử.
Quy định cũng nêu rõ, ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của cơ quan thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, khi nhận được thông tin của khách hàng thì cơ quan thuế phải có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định.
Còn với những công ty đa quốc gia chưa đăng ký, kê khai, nộp thuế thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian phải thanh toán thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật thuế đối với từng sản phẩm hàng hóa dịch vụ mà người mua là cá nhân tại Việt Nam thanh toán cho nhà cung cấp ở nước ngoài liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.
Nếu cá nhân mua hàng hóa bằng thẻ hoặc bằng các hình thức ngân hàng, khi đó tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không thể thực hiện khấu trừ, nộp thay thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và định kỳ hàng tháng gửi về cơ quan thuế.
Thất thu thuế từ các kênh kinh doanh qua mạng như Google, YouTube, Facebook... đang là khoảng trống pháp lý tồn tại suốt thời gian qua tại Việt Nam. Riêng tại Hà Nội, ngành Thuế cho biết từ năm 2016 đến 2019 đã xác định được hơn 1.100 cá nhân hoạt động kinh doanh phần mềm, dịch vụ điện tử, trò chơi trên mạng có tổng thu nhập là 4.800 tỉ đồng, trong đó có những cá nhân có thu nhập lên tới 140 tỉ đồng.
Riêng trong năm 2019, cơ quan chức năng đã xử lý trên 30 trường hợp không thực hiện nghĩa vụ thuế với tổng số tiền truy thu 18 tỉ đồng. Gần đây nhất là vào tháng 10 vừa qua, một người tên Trần Đức Phương ở Hà Nội nhận thu nhập hơn 41 tỉ đồng từ Google, sau khi làm việc với cơ quan thuế, người này phải đóng thuế và nộp phạt tổng cộng hơn 4 tỉ đồng.
Theo quy định, doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế. Các cá nhân nhận thu nhập từ Facebook, Google, YouTube... được xếp là cá nhân kinh doanh, nộp thuế theo tỷ lệ 5% giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân.
Do đó, lãnh đạo ngành thuế nhấn mạnh: "Hành vi không kê khai và không nộp thuế theo quy định được coi là hành vi trốn thuế, gian lận thuế và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 đến 3 lần số tiền trốn thuế. Mức phạt đối với cá nhân là 1/2 mức tiền phạt đối với tổ chức".
Không vi phạm luật hiện hành!
Trao đổi với Một Thế Giới về việc các ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế có vi phạm pháp luật hiện hành không? LS Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico cho biết việc ngân hàng thương mại cung cấp thông tin và tài khoản của khách hàng cho cơ quan thuế không vi phạm đến quy định bảo mật.
Bởi lẽ, hoạt động này nằm trong công tác chông thất thu thuế. Khi ngân hàng thương mại cung cấp thông tin cho ngành thuế thì trách nhiệm của cơ quan thuế là phải bảo mật thông tin của khách hàng và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định. Nếu thông tin của khách hàng bị lộ thì đơn vị nào sử dụng thông tin phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trên thế giới đã có những quốc gia nhằm chống tình trạng thất thu thuế nên đã quy định các ngân hàng phải cung cấp thông tin về tài khoản cho cơ quan thuế, ví dụ như Thụy Sỹ, một đất nước rất bảo mật về thông tin nhưng vẫn áp dụng quy định này để quản lý thuế chặt chẽ.
Theo vị luật sư này, thời gian qua đã có nhiều cá nhân nhận được thu nhập lớn từ việc kinh doanh qua mạng nhưng lại nộp thuế theo quy định, thậm chí là những công ty đa quốc gia có doanh thu hàng tỉ USD tại Việt Nam nhưng không đóng một đồng tiền thuế.
"Do đó, việc quy định ngân hàng thương mại cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế sẽ nâng cao tính pháp lý về chống thất thu thuế. Khi quy định, hành lang pháp lý nghiêm ngặt thì ý thức đóng thuế của các cá nhân cũng được nâng cao hơn", LS Trương Thanh Đức nhấn mạnh.