Đài Loan công bố xây dựng hạm đội tàu ngầm, bảo vệ chủ quyền trước mối đe dọa từ Trung Quốc

Quốc tế - Ngày đăng : 13:47, 24/11/2020

Hôm 24.11, bà Thái Anh Văn tuyên bố sẽ bảo vệ chủ quyền Đài Loan bằng việc xây dựng hạm đội tàu ngầm mới do Mỹ phát triển ở hòn đảo này, một dự án quan trọng do chính quyền Trump hỗ trợ để chống lại Trung Quốc.

Đài Loan trong nhiều năm đã nỗ lực cải tạo lực lượng tàu ngầm của mình, một số trong số đó có từ Thế chiến thứ hai và không thể sánh được với hạm đội của Trung Quốc, bao gồm cả các tàu có khả năng phóng vũ khí hạt nhân.

Tại buổi lễ đánh dấu việc công bố xây dựng hạm đội tàu ngầm mới ở thành phố cảng Cao Hùng, nhà lãnh đạo Đài Loan – bà Thái Anh Văn gọi động thái này là “cột mốc lịch sử cho khả năng phòng thủ của Đài Loan sau khi vượt qua nhiều thách thức và nghi ngờ”.

Việc xây dựng thể hiện ý chí mạnh mẽ của Đài Loan với thế giới để bảo vệ chủ quyền của mình. Tàu ngầm là thiết bị quan trọng để phát triển khả năng tác chiến phi đối xứng của hải quân Đài Loan và ngăn chặn tàu địch bao vây Đài Loan”, bà Thái Anh Văn nói tại sự kiện có sự tham dự của
ông Brent Christensen, đại sứ Mỹ trên thực tế tại Đài Loan.

Chính phủ Mỹ vào năm 2018 đã bật đèn xanh cho các nhà sản xuất nước này tham gia vào chương trình, động thái được nhiều người coi là giúp Đài Loan đảm bảo các thành phần chính xây dựng tàu ngầm, dù vẫn chưa rõ danh tính các công ty nào.

Tập đoàn đóng tàu CSBC do chính quyền Đài Loan hậu thuẫn cho biết sẽ giao chiếc đầu tiên trong số 8 tàu ngầm theo kế hoạch vào năm 2025, tạo động lực lớn cho kế hoạch hiện đại hóa và tự túc quân sự của bà Thái Anh Văn.

Hiện lực lượng phòng vệ Đài Loan sở hữu 4 tàu ngầm, trong đó có 2 chiếc do Mỹ đóng từ thập niên 1940.

Chủ tịch CSBC, ông Cheng Wen-lung nói đã phải đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm khó khăn trong việc mua sắm các bộ phận cũng như “các lực lượng bên ngoài cản trở sự phát triển của chương trình này”.

Các lực lượng vũ trang của Đài Loan hầu hết được trang bị bởi Mỹ, nhưng bà Thái Anh Văn đã ưu tiên phát triển ngành công nghiệp quốc phòng tiên tiến trên hòn đảo.

Hồi tháng 6, bà Thái Anh Văn đã giám sát chuyến bay thử công khai đầu tiên của một máy bay huấn luyện phản lực tiên tiến được thiết kế và chế tạo ở Đài Loan.

Các lực lượng Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự gần Đài Loan, đôi khi điều máy bay chiến đấu bay qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan.

dai-loan-xay-dung-ham-doi-tau-ngam.jpg
dai-loan-xay-dung-ham-doi-tau-ngam3.jpg
Bà Thái Anh Văn tham dự buổi lễ công bố xây dựng hạm đội tàu ngầm mới ngày 24.11 - ảnh: Reuters

Hôm 23.11, Reuters đưa tin chuẩn đô đốc Mỹ - Michael Studeman vừa có chuyến thăm không báo trước đến Đài Loan. Michael Studeman là người đứng đầu đơn vị J2 phụ trách hoạt động tình báo thuộc Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trang tin UDN (Đài Loan) đăng ảnh một chiếc máy bay tư nhân không xác định, có thể là máy bay quân đội Mỹ, đáp xuống sân bay Tùng Sơn với quan chức Đài Loan chờ đợi ở ga đón khách VIP.

Lầu Năm Góc và cơ quan phòng vệ Đài Loan đều từ chối bình luận, song cơ quan ngoại giao Đài Loan xác nhận có một quan chức Mỹ sang thăm bí mật.

“Chúng tôi hoan nghênh quan chức Mỹ sang thăm, nhưng hành trình này không được công khai”, cơ quan ngoại giao Đài Loan cho hay.

Hôm 20.11, tờ New York Times đưa tin người đứng đầu Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ, Andrew Wheeler sẽ đến Đài Loan vào tháng 12 trong chuyến thăm thứ ba của một quan chức cấp cao Mỹ kể từ tháng 8.

Tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của riêng mình, Trung Quốc rất tức giận khi Bộ trưởng Y tế Mỹ - Alex Azar đến Đài Bắc vào tháng 8, tiếp sau đó là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường - Keith Krach vào tháng 9, nên mỗi lần đều điều nhiều máy bay chiến đấu đến gần Đài Loan. Hành động này khiến lực lượng không quân của Đài Loan phải huy động máy bay phản lực ứng phó.

Ông Tô Trinh Xương, người đứng đầu nhánh hành pháp của Đài Loan, nói với các phóng viên rằng tương tác giữa Đài Loan – Mỹ ngày càng tăng.

Theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Ngô Chiêu Tiếp, người đứng đầu Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ sẽ đến Đài Loan, thảo luận song phương về hợp tác quốc tế về các vấn đề bảo vệ môi trường”, ông Tô Trinh Xương cho hay.

Ông Tô Trinh Xương nói thêm, chuyến đi sẽ có lợi hơn nữa cho mối quan hệ giữa hai bên.

New York Times dẫn lời James Hewitt, phát ngôn viên của Andrew Wheeler, cho biết cơ quan này vẫn đang làm việc thông qua công tác hậu cần nhưng Wheeler đã được mời đến Đài Loan “để cộng tác về các vấn đề bao gồm sáng kiến ​​Save our Seas, rác thải biển, chất lượng không khí và sức khỏe trẻ em”.

Cựu Tổng thống Barack Obama và Gina McCarthy - Giám đốc Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ thời đó từng đến thăm Đài Loan vào năm 2014.

Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, thành viên đảng Cộng hòa, ủng hộ mạnh mẽ cho Đài Loan, bao gồm bán vũ khí, như muốn dằn mặt Trung Quốc.

Chính quyền Đài Loan hiện giảm bớt lo ngại rằng sẽ không được chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden, thành viên đảng viên Dân chủ, hậu thuẫn.

Các quan chức Đài Loan chỉ ra rằng sự ủng hộ với Đài Loan là lưỡng đảng ở Mỹ, và tuần trước, đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Washington đã nói chuyện qua điện thoại với Antony Blinken, người thân tín lâu năm của Biden.

Sau tin tức trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này phản đối tất cả hình thức tương tác chính thức giữa Mỹ và Đài Loan, đồng thời sẽ đưa ra phản ứng cần thiết với bất kỳ chuyến thăm nào tới hòn đảo của người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ.

Nhân Hoàng