Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Hằng Nga 5 thu thập mẫu vật Mặt trăng
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:15, 24/11/2020
Tàu tự lái Hằng Nga 5 cất cánh trên tên lửa Trường Chinh 5 vào lúc 4 giờ 30 sáng 24.11 (giờ địa phương), từ Trung tâm phóng vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, tàu Hằng Nga 5 sẽ đưa các mẫu Mặt trăng trở về Trái đất vào giữa tháng 12. Liên Xô là nước cuối cùng làm việc tương tự với sứ mệnh Luna 24 vào năm 1976.
Tàu vũ trụ nặng 8.200 kg sẽ đến quỹ đạo Mặt trăng vào ngày 28.11 và triển khai 2 trong số 4 module gồm một tàu đổ bộ cùng phương tiện cất cánh trên bề mặt Mặt trăng sau một ngày. Con tàu sẽ hạ cánh xuống khu vực Mons Rumker của vùng lòng chảo núi lửa khổng lồ Oceanus Procellarum.
Vị trí này được chọn bởi chưa từng có một nỗ lực nào tiếp cận khu vực này. Năm 2019, Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ Hằng Nga 4 lên để nghiên cứu về vùng tối của Mặt trăng, là nửa không nhìn thấy được. Một số nơi trong khu vực này từng được khám phá trong các nhiệm vụ trước đó, bao gồm Apollo 12 của NASA năm 1969.
Tên lửa Trường Chinh 5 đưa tàu Hằng Nga 5 rời khỏi Trái đất - Video: SCMP
Tàu đổ bộ đứng yên sẽ nghiên cứu môi trường xung quanh bằng camera, radar xuyên đất và máy đo quang phổ. Nhưng công việc chính của nó là thu thập 2 kg vật chất Mặt trăng với một số mẫu vật sẽ được đào sâu 2 mét dưới lòng đất. Công việc này sẽ được thực hiện trong vòng hai tuần, tương đương một ngày Mặt trăng, do tàu hoạt động bằng năng lượng mặt trời và không thể hoạt động khi màn đêm bao trùm khu vực.
Mons Rumker chứa đất đá hình thành cách đây 1,2 tỉ năm. Nhiệm vụ Hằng Nga 5 sẽ giúp các nhà khoa học tìm hiểu thêm những gì xảy ra ở cuối lịch sử của Mặt trăng, cũng như quá trình tiến hóa của Trái đất và hệ Mặt trời, theo tổ chức phi lợi nhuận Planetary Society.
Tàu đổ bộ sẽ chuyển các mẫu vật thu thập được cho phương tiện cất cánh để phóng lên quỹ đạo Mặt trăng, tiếp cận hai thiết bị còn lại là module dịch vụ và khoang hồi quyển. Vật chất Mặt trăng sẽ được đưa vào khoang hồi quyển, sau đó module dịch vụ sẽ kéo khoang này về Trái đất và thả xuống trước khi hạ cánh vào ngày 16 hoặc 17.12. Theo Planetary Society, tàu Hằng Nga 5 sẽ đáp xuống vùng Nội Mông, nơi tàu Thần Châu có người lái của Trung Quốc từng sử dụng để tiếp đất.
Hằng Nga 5 là nỗ lực mang mẫu vật về Trái đất đầu tiên của Trung Quốc và nhiệm vụ thứ 6 trong chương trình khám phá Mặt trăng không người lái Hằng Nga. Trung Quốc đã phóng tàu bay quanh quỹ đạo Hằng Nga 1 và Hằng Nga 2 vào các năm 2007 và 2010. Tiếp đó là tàu chở trạm đổ bộ - robot tự hành Hằng Nga 3, hạ cánh trên Mặt trăng vào tháng 12.2013.
Nhiệm vụ Hằng Nga 5T1 phóng nguyên mẫu khoang hồi quyển trong chuyến bay 8 ngày quanh Mặt trăng hồi tháng 10.2014 để giúp chuẩn bị tàu Hằng Nga 5. Vào tháng 1.2019, tàu Hằng Nga 4 trở thành nhiệm vụ đầu tiên hạ cánh ở vùng tối của Mặt trăng.
Sau Hằng Nga 5, Trung Quốc dự tính phóng tàu Hằng Nga 6 lên cực Nam của Mặt trăng vào năm 2024. Tàu Hằng Nga 7 sẽ tiếp tục nghiên cứu khu vực này vào năm 2030 và tàu Hằng Nga 8 sẽ là bước đầu tiên để đặt trạm nghiên cứu trên Mặt trăng vào năm 2036.
Trung Quốc coi Mặt trăng như một trạm dừng để nghiên cứu sâu hơn về vũ trụ, nhất là khoảng không gian giữa Trái đất và Mặt trăng. Những nhiệm vụ tiếp theo của Trung Quốc tập trung vào khu vực cực Nam của Mặt trăng bởi các nhà khoa học tin rằng vị trí này có nhiều tài nguyên hơn như nước dưới dạng băng, nhiên liệu.
“Mặt trăng có thể trở thành nguồn cung cấp năng lượng, tài nguyên mới cho con người. Nó sẽ đóng vai trò quan trọng để duy trì sự sống của nhân loại. Ai chinh phục được Mặt trăng đầu tiên sẽ có lợi ích sớm”, Ouyang Ziyuan, người mở ra chương trình nghiên cứu Mặt trăng của Trung Quốc chia sẻ.
Mặt trăng cũng đóng vai trò như một vùng lãnh thổ mới mà Trung Quốc muốn chiếm thế thượng phong. Bao Weimin, giám đốc nghiên cứu tại Công ty Hàng không vũ trụ Trung Quốc cho rằng khu vực kinh tế Trái đất - Mặt trăng sẽ có quy mô tới 10.000 tỉ USD vào năm 2050.