Tiền vẫn đổ mạnh vào bất động sản bất chấp đại dịch

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:41, 24/11/2020

Dù khó khăn vì đại dịch COVID-19 nhưng nguồn vốn chảy vào thị trường bất động sản từ các kênh như tín dụng ngân hàng, trái phiếu và FDI vẫn dồn dập.

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, trong quý 3/2020, nguồn vốn FDI đổ rất mạnh vào thị trường bất động sản. Cụ thể, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản quý 3 đã đạt mức 2,35 tỉ USD, tăng mạnh đến 400% so với quý 2/2020, dù đây là thời điểm thị trường chịu tác động kép của đợt dịch COVID-19 lần 2 và ảnh hưởng của tháng ngâu.

Số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) mới công bố cũng cho thấy tính đến ngày 20.10, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 23 tỉ USD, bằng 80% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với số vốn đăng ký gần 3,5 tỉ USD.

Trong thời gian tới, nhiều chuyên gia dự báo nguồn vốn ngoại đổ vào bất động sản sẽ tiếp tục tăng do kinh tế sẽ phục hồi, xu hướng chuyển dịch đầu tư và các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.

Không những vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng được nâng hạng trong 1 - 2 năm tới cũng thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, khiến doanh nghiệp bất động sản dễ dàng huy động vốn hơn.

tt-bds-tphcm-cao-oc-hinh-1-3.jpg
Dòng vốn vẫn đổ mạnh vào thị trường bất động sản - Ảnh: Phan Diệu

Bên cạnh vốn từ nhà đầu tư ngoại, dòng vốn tín dụng cũng đổ mạnh vào thị trường bất động sản. Sau giai đoạn 2014-2016 tín dụng bất động sản bùng nổ, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm kiềm chế mức tăng cho vay trong lĩnh vực này. Vốn ngân hàng vào bất động sản nhờ đó được kiểm soát.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng vào bất động sản chậm lại nhưng nguồn vốn đổ vào bất động sản vẫn giữ được đà tăng. Năm 2019, tín dụng bất động sản tăng 8,8%. Còn năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19, trong 8 tháng năm 2020, tín dụng đổ vào thị trường bất động sản tăng 4,78% so với cuối năm 2019. Riêng tại TP.HCM, 9 tháng năm 2020, dư nợ tín dụng bất động sản đạt khoảng 293.750 tỉ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm 2019.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói rằng dư nợ tín dụng và nợ xấu bất động sản tại TP.HCM vẫn còn trong ngưỡng an toàn nhưng tiềm ẩn rủi ro. Đặc biệt, ông Châu lo ngại khả năng một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ chuyển thành nợ xấu, trong đó có cả nguồn vốn đầu tư trái phiếu bất động sản của các tổ chức tín dụng và cá nhân.

Đáng chú ý, trong bối cảnh nguồn vay từ ngân hàng cho bất động sản giảm, thị trường trái phiếu nổi lên như một kênh huy động vốn bổ sung. Năm 2019, tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành năm 2019 là 106,5 nghìn tỉ đồng, chiếm 38% tổng phát hành toàn thị trường và chỉ xếp sau nhóm ngân hàng.

Trong 9 tháng đầu năm nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có 1.089 đợt phát hành từ 175 doanh nghiệp với tổng giá trị 341.000 tỉ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 173.500 tỉ đồng, chiếm hơn 40% và đây là tỷ trọng cao nhất toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp bất động sản tăng tốc phát hành trong tháng 7, 8. Nhiều doanh nghiệp phát hành lãi suất lên đến 18%, trái phiếu không tài sản đảm bảo vẫn thu hút đông đảo người mua.

“Đáng quan ngại là tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 20% số lượng nhà đầu tư và nguồn vốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng lớn. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là vào thời điểm đáo hạn trái phiếu", ông Châu nhận định.

Tuy nhiên, đến tháng 9, khi Nghị định 81 có hiệu lực, đưa ra các yêu cầu cao hơn đối với tổ chức phát hành và các đơn vị trung gian khi thực hiện phát hành riêng lẻ, lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ quay đầu giảm mạnh. Tháng 9, trái phiếu phát hành giảm đến 88% so với tháng 8, bao gồm cả doanh nghiệp bất động sản.

Phan Diệu