Châu Âu sẵn sàng chi mạnh tiền để ăn gạo Việt Nam
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:33, 24/11/2020
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo Việt Nam không chỉ giữ được đà tăng trưởng về lượng mà được giá cao tại thị trường EU nhờ vào Hiệp định EVFTA. Trong 11 tháng qua, cả nước xuất khẩu trên 5,7 triệu tấn thu về gần 2,84 tỉ USD, tăng trên 12% so với cùng kỳ năm 2019, đạt trung bình hơn 490 USD/tấn.
Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu trung bình liên tục tăng, có thời điểm trong tháng 8 đạt trên 500 USD/tấn. Loại gạo 5% tấm của Việt Nam đã có lúc vượt giá gạo Thái Lan đến 20 USD/tấn, vươn lên dẫn đầu thế giới. Trong suốt chặng đường dài xuất khẩu gạo, đây là lần đầu tiên giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan.
Gần đây nhất là vào hồi tháng 9, có doanh nghiệp ở Cần Thơ đã xuất khẩu gạo sang châu Âu với mức giá cao kỷ lục trên 1.000 USD/tấn gạo ST20 và 600 USD/tấn gạo Jasmine.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết: "Hiệp định EVFTA đã nâng giá trị gạo Việt Nam tại EU lên một tầm cao mới. Chỉ cần là gạo hữu cơ đúng tiêu chuẩn của người châu Âu thì họ không ngại chi tới 3.000 USD/tấn cho gạo hữu cơ của Việt Nam. Hiện nay, xuất khẩu gạo Việt Nam đang rất sôi động tại thị trường EU".
Nhiều doanh nghiệp khác cũng cho rằng thị trường châu Âu có tiêu chuẩn thực phẩm rất cao, trong đó đặc biệt là mặt hàng gạo. Gạo Việt Nam phải đảm bảo được truy xuất nguồn gốc với địa chỉ vùng trồng rõ ràng, không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phải đạt đạt tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc tương đương. Chỉ cần đáp ứng được tiêu chuẩn gạo hữu cơ thì họ sẵn sàng chi mạnh tiền mua gạo Việt Nam.
Lý giải về việc giá gạo Việt Nam liên tục đạt mức cao hàng đầu thế giới thời gian qua, giới chuyên gia cho biết nguyên nhân chính vẫn là chất lượng. Chất lương gạo Việt Nam đã cải thiện đáng kể thời gian qua, đặc biệt là gạo ST25, gạo ST20, gạo Jasmine... Ngoài ra còn do một số nguyên nhân tác động như: Hiệp định EVFTA tạo hiệu ứng tốt về ưu đãi thuế 0%, nhu cầu thu mua, tích trữ gạo của các nước tăng lên từ đợt dịch COVID-19...
Với Hiệp định EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm được hưởng mức thuế suất 0% (trong đó có 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Ðây là cơ hội lớn cho ngành hàng lúa gạo trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động giao thương nông sản. Điều này cũng đang tạo ra thời cơ mới cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong cả sản xuất và xuất khẩu.
Ðề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ, mục tiêu đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm; phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.
Theo đó, mục tiêu hàng đầu là các doanh nghiệp phải nâng cao và ổn định chất lượng gạo xuất khẩu, bảo đảm đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong sản xuất, chế biến lúa gạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sâu, bảo quản lúa gạo, giảm tổn thất sau thu hoạch.