Ngoại trưởng dự kiến của Mỹ: Một người không lạ với Việt Nam
Quốc tế - Ngày đăng : 12:50, 25/11/2020
Một nhân vật dày dạn kinh nghiệm
Ông Antony Blinken (sinh năm 1972), tốt nghiệp Đại học Harvard và Trường Luật Columbia. Ông đã giữ các vị trí cấp cao về chính sách đối ngoại trong hai chính quyền trong khoảng ba thập kỷ. Đặc biệt, Blinken từng đóng vai trò cố vấn cho Biden về chính sách đối ngoại kể từ năm 2002.
Từ năm 2015 đến 2017, Blinken giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao dưới thời chính quyền Obama-Biden. Trong vai trò đó, Blinken đã đóng góp công sức cho ngành ngoại giao trong cuộc chiến chống ISIL, tái cân bằng châu Á và xử lý cuộc khủng hoảng tị nạn toàn cầu. Trước đó, Blinken từng là Trợ lý Tổng thống và Phó Cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống Obama. Ông từng chủ trì Ủy ban Đại biểu, diễn đàn chính của chính quyền để hoạch định chính sách đối ngoại.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Obama, ông là Cố vấn An ninh Quốc gia cho Phó Tổng thống Biden. Ông Blinken từng là người đứng đầu của đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ từ năm 2002 đến 2008 và là thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống Clinton từ năm 1994 đến 2001.
Trước khi làm cố vấn chính sách đối ngoại trong chiến dịch Biden-Harris và quá trình chuyển đổi, Blinken từng là giám đốc điều hành của Trung tâm Ngoại giao và Gắn kết Toàn cầu Penn Biden và là Học giả Xuất sắc Herter / Nitze tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins.
Blinken cũng từng là phóng viên của tạp chí The New Republic, viết nhiều về chính sách đối ngoại. Ông là tác giả của “Ally Versus Ally: America, Europe” và “The Siberian Pipeline Crisis”. Ông cũng đã từng là một nhà bình luận trên New York Times và một nhà phân tích các vấn đề toàn cầu cho CNN.
Một người thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ
Tháng 4.2016, trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama một tháng thì ông Blinken trong vai trò Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đã có chuyến thăm mang tính chất tiền trạm. Ông Blinken có những hoạt động sôi nổi để thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ.
Trong bài phát biểu trước sinh viên các trường đại học tại Việt Nam, ông Blinken đã nói về văn hóa cần thiết để phát triển tinh thần kinh doanh khởi nghiệp và cách tất cả các quốc gia và công dân cùng chia sẻ đóng góp trong việc vun đắp và duy trì một nền văn hóa đó.
Để Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu về công nghệ và đổi mới, ông Blinken nói rằng phải khuyến khích một hệ thống giáo dục thúc đẩy tư duy phản biện, sáng tạo và thử nghiệm.
Hơn nữa, tinh thần kinh doanh và đổi mới phát triển mạnh trong một môi trường chính sách thúc đẩy tăng trưởng thông qua tính minh bạch, pháp quyền, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các quy định nhất quán cho phép tất cả các công ty cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng.
Thời điểm đó, ông Blinken cho rằng nhiệm vụ trước mắt là Việt Nam củng cố những thành tựu kinh tế to lớn đạt được sau 2 thập kỷ và phương thức quan trọng để thực hiện điều đó là thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam là thành viên sáng lập. Khi ấy, theo quan điểm của Mỹ thì TPP là một hiệp định thương mại sẽ đưa 40% nền kinh tế toàn cầu lại với nhau nhờ các biện pháp bảo vệ lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, sau khi ông Donald Trump đắc cử thì Mỹ rút khỏi TPP.
Trong phát biểu tại Việt Nam năm 2016, ông Blinken cho rằng một thành phần quan trọng khác cho thành công kinh tế của Việt Nam là đẩy mạnh vấn đề quyền con người vì một nền văn hóa khởi nghiệp sôi động sẽ dựa nhiều vào nền tảng về các quyền và tự do mà mọi công dân cảm thấy có thể theo đuổi tham vọng, bày tỏ ý kiến và đưa ý tưởng của họ vào cuộc sống.
Trong vai trò Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Blinken khi đó đánh giá Việt Nam là một phần của nền kinh tế toàn cầu, ngày càng có trách nhiệm cùng với Mỹ và các nước khác tham gia vào nỗ lực giải quyết các vấn đề từ gìn giữ hòa bình quốc tế, buôn bán động vật hoang dã đến an ninh hàng hải, từ biến đổi khí hậu, năng lượng hạt nhân dân sự đến sức khỏe toàn cầu. Từ 4 năm trước, Blinken khẳng định Hoa Kỳ mong muốn tiếp tục mở rộng quan hệ đối tác với Việt Nam.