Ông Trump có mất đặc quyền trên mạng xã hội khi không còn là tổng thống?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:50, 26/11/2020

Dựa vào đặc quyền trên mạng xã hội được hưởng trong 4 năm qua, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra nhiều thông tin sai lệch và công kích người chỉ trích mình.

Trong khi người dùng Twitter hay Facebook bình thường có thể bị chặn hoặc xóa tài khoản vì nội dung đăng tải không phù hợp thì thông tin sai lệch cùng công kích cá nhân của Tổng thống Trump đến nay chỉ bị gắn nhãn cảnh báo. Liệu đặc quyền này có mất đi lúc ông không còn là Tổng thống?

donaldtrump-2020-gettyimages-1229725767.jpg
Tổng thống Trump còn 2 tháng tại nhiệm - Ảnh: Vanity Fair

Biện pháp gắn nhãn

Kể từ lúc thất cử, Tổng thống Trump liên tục tung tin thất thiệt về gian lận bầu cử. Twitter cùng Facebook chỉ xử lý bằng cách gắn nhãn, nhẹ nhàng nhắc nhở người đọc tìm đến thông tin chính xác.

Twitter từ cuối tháng 10 đã gắn nhãn hàng trăm nghìn bài đăng gây tranh cãi/ có khả năng gây hiểu lầm về bầu cử, quá trình bỏ phiếu, kết quả kiểm phiếu. Hơn 100 dòng tweet hoặc đăng lại của Tổng thống Trump có cảnh báo kèm theo.

Ví dụ như với dòng tweet “Tôi thắng cử” ngày 15.11, Twitter gắn nhãn: “Nhiều nguồn khác đưa ra thông tin khác biệt”. Vài bài đăng khác nhận nhãn: “Tuyên bố này gây tranh cãi”.

Facebook cũng không bỏ qua. Gần đây nhất họ dùng nhãn: “Joe Biden là người chiến thắng dự kiến trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020”.

Twitter tích cực hơn khi không chỉ gắn nhãn mà còn tìm cách ngăn thông tin sai lệch từ Tổng thống Trump lan truyền rộng rãi bằng một số biện pháp khác. Còn nhiều nhãn mà Facebook gắn có thể dễ dàng bị bỏ đi.

Nhiều người không đánh giá cao biện pháp gắn nhãn, họ xem đây chỉ là cách hai mạng xã hội tỏ vẻ cố gắng bảo vệ bầu cử. Nếu Twitter và Facebook tiếp tục cho phép Tổng thống Trump đăng thông tin sai lệch - đặc biệt khi mọi bài đăng đều có nhãn - thì nhãn cảnh báo sẽ mất đi tác dụng.

gettyimages-1215361926-1-1160x773.jpg
Nhãn cảnh báo dễ nhìn thấy nhưng cũng dễ bị bỏ qua - Ảnh: Politico

Mất đặc quyền

Trên lý thuyết Tổng thống Trump sau khi không còn nắm quyền sẽ trở thành 1 công dân bình thường nên phải tuân thủ mọi quy tắc do Twitter và Facebook đặt ra như bao người dùng khác.

Twitter cho các nhà lãnh đạo miễn trừ vài quy tắc – nghĩa là nếu vị lãnh đạo nào đó vi phạm thì dòng tweet họ đăng chỉ bị gắn nhãn cảnh báo mà thôi. Nhưng từ ngày 20.1, Tổng thống Trump sẽ không còn đặc quyền này nữa.

Ở Facebook, nội dung Tổng thống Trump đăng tải sắp tới có thể bị kiểm tra bởi bên thứ ba.

Tuy nhiên khả năng ông bị chặn hay xóa tài khoản không cao, trừ phi vi phạm quy tắc như quấy rối có chủ đích hay đe dọa mang tính phân biệt chủng tộc. Đăng thông tin sai lệch không quá cụ thể về đại dịch COVID-19 hay quy trình bầu cử thì chẳng hề hấn gì.

Cẩm Bình