Doanh nghiệp logistics nói gì về gánh nặng chi phí ở Việt Nam?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:16, 26/11/2020
Logistics là quá trình phân phối hàng hóa từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng và là cầu nối thương mại toàn cầu. Hoạt động logistics ngày nay không chỉ gắn liền với hoạt động kho vận, giao nhận vận tải, mà còn lên kế hoạch, sắp xếp dòng chảy nguyên - vật liệu từ nhà cung ứng đến nhà sản xuất, sau đó luân chuyển hàng hóa từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng, tạo nên sự liên thông trong toàn xã hội theo những phương án tối ưu hóa, giảm chi phí luân chuyển và lưu kho.
Tuy nhiên, "dòng chảy" của nền kinh tế dường như đang bị nghẽn lại bởi hàng loạt chi phí chồng lên và những chính sách, quy định chung chung, không rõ ràng...
Tại Việt Nam, chi phí logistics bao gồm: Chi phí vận tải (chiếm 1/3 cho đến 2/3 chi phí lưu thông phân phối); chi phí cơ hội vốn (suất sinh lời tối thiểu mà công ty kiếm được khi vốn không đầu tư cho hàng tồn trữ mà cho một hoạt động khác) và chi phí bảo quản hàng hóa (gồm chi phí thuê kho bãi, bảo quản hàng hóa, đưa hàng hóa ra vào kho, hàng bị hư hỏng, bảo hiểm cho hàng hóa). Bên cạnh các loại chi phí lớn này còn nhiều loại phụ phí đi kèm như phụ phí xếp dỡ, phụ phí giao hàng, phụ phí tắc nghẽn cảng...
Theo tính toán của WB, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% GDP, trong đó chi phí cho vận tải chiếm khoảng 60%, đây được đánh giá là mức chi phí cao so với các nước phát triển.
Chỉ ra bất cập trong hoạt động logistics hiện nay, bà Đặng Thị Minh Phương - Chủ tịch MP Logistics (Minh Phương Logistics) cho biết, chi phí logistics ở nước ta rất cao trong khi mức lợi nhuận thu về thấp nên dẫn đến sự cạnh tranh không tương xứng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dịch vụ cạnh tranh lẫn nhau, cố gắng giảm giá thành khiến lợi nhuận thu về thấp. Đó chính là bất cập trong ngành logistics hiện nay.
Bà Phương cho rằng đa phần các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam là vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm hơn 10%. Trong khi những chính sách hỗ trợ của Nhà nước với ngành logistics vẫn còn chung chung, chưa được cụ thể và rõ ràng. Những tồn tại này đang là rào cản phát triển của doanh nghiệp
"Do đó, tôi kiến nghị để nâng cao sức cạnh tranh của ngành logistics thì các nhà chức trách, cơ quan quản lý cần xây dựng một chính sách cụ thể cho logistics để thúc đẩy nội lực các doanh nghiệp trong thị trường Việt Nam và xa hơn nữa là vươn tầm ra thế giới", bà Phương kiến nghị
Trong khi đó, ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta nói rằng chỉ khi tỷ trọng giao thông vận tải tăng lên 20% thì chi phí logistics sẽ giảm xuống. Trong cơ cấu chi phí chung của logistics, chi phí vận tải chiếm 59%, con số chi phí lớn nhất trong các chi phí logistics.
Theo ông Nghĩa, giải pháp cắt giảm chi phí logistics chủ yếu nằm ở chính sách, đầu tư và dịch vụ công. Dịch vụ mở cửa quốc gia và Chính phủ điện tử sẽ là phương pháp trọng yếu để giảm chi phí logistics ở Việt Nam.
Dẫn chứng cụ thể, ông nói: "Công ty tôi có gần 500 nhân viên, trong đó có khoảng 10% nhân viên là đang chạy loanh quoanh tới các cơ quan chức năng để giải quyết các vấn đề về thủ tục hành chính. Nếu Chính phủ điện tử được nâng cao và hiệu quả hơn thì 10% nguồn nhân lực của chúng tôi sẽ được giảm thiểu và điều này cũng cắt giảm các chi phí logistics".
Nói về gánh nặng chi phí logistics, ông Trần Đức Nghĩa từng lấy dẫn chứng: Để một xe đầu kéo container chạy từ Hà Nội vào TP.HCM và ngược lại sẽ tốn chi phí lương, dầu, phí cầu đường... khoảng 43 triệu đồng, phí hao mòn lốp dọc đường khoảng 8 triệu đồng, tổng là hơn 50 triệu.
"Qua đó, tôi cho rằng thay vì đặt mục tiêu giảm chi phí vận tải thì nên làm sao để vận tải hiệu quả hơn. Do đó, tôi mong muốn các cơ quan chức năng, Chính phủ sẽ hoàn thiện và thúc đẩy quá trình hoàn thiện Chính phủ điện tử để giúp cho quá trình giảm chi phí logistics sẽ hiệu quả hơn", ông Nghĩa kiến nghị.
Với một cái nhìn lạc quan, ông Nguyễn Việt Phương - Chủ tịch Công ty Cổ phần Logistics và Khai thác Cảng Lokaport cho rằng với xu hướng phát triển của ngành logistics hiện nay và sự đồng hành, quan tâm của Chính phủ thì năm 2021 các chi phí logistics sẽ được cắt giảm.
Tuy nhiên, để tăng sức cạnh tranh với các đơn vị khác, ông cho biết công ty sẽ phải tạo ra hệ sinh thái, các chuỗi cung ứng, kết hợp đường thủy và đường bộ để tạo thành một chuỗi hoàn hảo. Xu hướng này sẽ cắt giảm được chi phí.
"Hiện nay, vận tải đường biển đang là kênh logistics thu hút nhiều nhà đầu tư, chi phí vận tải đường thủy sẽ giảm trên 20% so với vận tải đường bộ. Dù không phát triển vận tải đường thủy như phía Nam, nhưng tôi tin rằng với ý kiến đóng của các doanh nghiệp thì trong vài năm tới, phía Bắc sẽ phát triển được đồng đều các loại hình logistics bằng việc cắt giảm tối đa các loại chi phí", ông Phương nói.
Trước nhiều thách thức trong lĩnh vực logistics mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, đó là chi phí dịch vụ logistics còn cao, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng để ngành logistic của Việt Nam phát triển thì cần ứng dụng công nghệ tốt hơn trong hoạt động logistic. Đây là chìa khóa để các doanh nghiệp Việt giảm các chi phí vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh và bức phá trong thời kỳ hội nhập.