Nạn chặt chém sẽ không còn đất sống, nếu...

Góc bình luận - Ngày đăng : 11:34, 15/02/2019

Ở Việt Nam, Tết là mùa du lịch cao điểm nhất trong năm. Nhà nhà, người người đổ xô đi du lịch. Cung vượt quá cầu nên phát sinh lắm chuyện mà chặt chém là điển hình, cứ lặp đi lặp lại, thách thức cả dư luận lẫn nhà nước. Có người lắc đầu bảo “Vô phương, vì đó là “bản sắc” của du lịch Việt”. Người khác thắc mắc “Sao nạn chặt chém này chỉ phổ biến ở nước ta?”…

Chi Cục Quản lý Thị trường, Sở Du Lịch, Sở Tài Chính… tỉnh Khánh Hòa đã lên tiếng sau khi báo chí và mạng xã hội phanh phui sự việc “Trứng xào cà chua 500.000 đồng/phần, đậu bắp luộc 300.000 đồng/phần, cơm trắng 200.000 đồng/phần...”Khổ qua xào giá 500.000 đồng cho 2 phần, mồng tơi giá 250.000 đồng/ phần...”. Cả 2 sự việc đều diễn là ở thành phố biển Nha Trang xinh đẹp, vào chiều tối ngày 7.2.2019 (mùng 3 Tết).

Những vụ việc tương tự thường diễn ra vào các dịp lễ tết và chỉ xảy ra ở một số địa phương. Cứ như yếu tố di truyền trong bệnh lý y tế. Ở phía Nam, mấy năm trước thì Vũng Tàu rồi Đà Lạt thi đua . Năm nay thì Nha Trang vượt trội. Nha Trang đã nổi tiếng vì sự thao túng của khách Trung Quốc và tour 0 đồng chưa đủ nên hình như đang cố tạo thêm scandal để càng nổi tiếng. Những năm trước, chỉ có khách vãng lai, khách du lịch tự túc bị chặt chém. Năm nay, nạn chặt chém lây sang cả khách đoàn của công ty du lịch.

Chuyện tưởng nhỏ mà rất nghiêm trọng. Càng nghiêm trọng hơn vì cách hành xử của các cấp quản lý. Dư luận lên án nhiều rồi, báo chí phê phán nhiều rồi. Các cấp quản lý đã hô hào, rút kinh nghiệm và quyết tâm đủ rồi. Bây giờ phải làm và làm quyết liệt. Mấy chuyện này cứ ngỡ bệnh nan y, không có thuốc chữa vì lặp đi lặp lại như cơm bữa. Thật ra bệnh không hề khó chữa. Đã có thuốc đặc trị. Vấn đề là không chịu uống thuốc mà cứ xức dầu và cạo gió.

Toa thuốc rất đơn giản. Tất cả nhà hàng quán ăn và các dịch vụ phải niêm yết giá công khai. Dịp cao điểm cho phép tăng theo qui định. Dịch vụ nào chặt chém thì phạt gấp vài chục lần tiền chênh lệch và rút giấy phép, cấm hành nghề là xong. Đố ai dám vi phạm. Còn hiện nay cứ phạt như gãi ngứa, lại còn xuề xòa năn nỉ, du di thì bệnh sẽ ngày càng nặng thêm.

Trường hợp khách các công ty du lịch bị chặt chém càng không thể chấp nhận. Các công ty bình thuờng đều có đối tác riêng, dịch vụ được đặt trước và thanh toán chuyển khoản. Chẳng đối tác nào dám chặt chém vì không chỉ mất hợp đồng mà còn bị các đơn vị trong ngành tẩy chay. Sự việc ở nhà hàng Hưng Phát, Nha Trang; chắc là do khách ăn tự túc nên Hướng dẫn viên (HDV) mới cấu kết với nhà hàng nâng giá vì “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Đơn vị tổ chức đàng hoàng sẽ tư vấn và khuyến cáo du khách, nhất là người nước ngoài; không nên ăn tự túc theo đoàn như vậy.

Tất cả HDV và lái xe chuyên nghiệp đều biết rõ bản chất của từng dịch vụ địa phương, không dễ gì qua mắt họ. Vấn đề chỉ xảy ra khi có sự tiếp tay của HDV với khách đoàn và tài xế với khách lẻ. Ở đây phải nói rõ là du khách không phãi BỊ mà là ĐƯỢC chặt chém bởi HDV hoặc lái xe. Đây mới là thủ phạm chính. Chủ các dịch vụ nhiều khi chỉ là đồng phạm. HDV và lái xe trong các vụ việc này cũng phải rút giấy phép và cấm hành nghề vĩnh viễn thì mới răn đe được.

Các công ty lữ hành để khách bị trấn lột cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Tôi nghe nói, có công ty du lịch còn ký hợp đồng, buộc các đối tác dịch vụ không được hối lộ, chi hoa hồng, tặng quà cho HDV và nhân viên công ty dưới bất cứ hình thức nào. Vi phạm, đối tác lập tức bị cắt hợp đồng; còn HDV và nhân viên bị sa thải trong vòng 24 giờ. Các phần hoa hồng, giảm giá phải công khai và minh bạch, để giảm giá thành sản phẩm, chứ không chỉ vào túi vài người. Một dạng lợi ích nhóm, dù chưa lớn nhưng rất nguy hại cho nội bộ lẫn ngành du lịch.

Trong bất kỳ vụ việc chặt chém nào, Quản lý Thị trường, Thanh tra Du lịch và chính quyền tại chỗ cũng phải được xử lý nghiêm khắc. Doanh nghiệp và người dân đã đóng thuế, trả lương đầy đủ cho các vị. Để xảy ra các vụ việc như vậy, lần đầu thì cảnh cáo, lần sau thì cách chức. Làm được như vậy, chẳng địa phương nào dám để nạn chặt chém tiếp diễn. Xin đừng ngụy biện là chưa có quy định, nghị quyết. Chưa có thì bổ sung, thì làm ngay. Mọi việc đều do con người quyết định.

Toa thuốc đã có. Biện pháp cũng sẵn sàng. Vấn đề là có dám làm, có thật tâm muốn xóa bỏ các vấn đề nghiêm trọng này hay không mà thôi.

Trần Trung Dân