Tìm giải pháp bảo vệ trẻ em tại trường học và trên môi trường mạng
Giáo dục - Ngày đăng : 22:13, 26/11/2020
Ngày 26.11, tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh Xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến về "Bắt nạt trẻ em tại trường học và trên môi trường mạng" thu hút sự chú ý của nhiều người.
Chương trình có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Thị Hà, Phó Giám đốc văn phòng UNICEF khu vực Đông Á - Thái Bình Dương ông Marcoluigi Corsi và đại diện các ban ngành liên quan.
Hội nghị trực tuyến về bắt nạt trẻ em tại trường học và trên môi trường mạng do Bộ LĐTB-XH phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức. Hội thảo nhằm hướng tới việc chấm dứt tình trạng trẻ em bị bắt nạt, bạo lực tại trường học và trên môi trường mạng, tạo môi trường phù hợp cho sự phát triển toàn diện của trẻ, vượt qua thách thức, cùng nhau xây dựng.
Thông tin tại hội thảo cho biết hiện nay trên thế giới có 2,2 tỉ người dưới 18 tuổi và cứ 3 trẻ em sẽ có 1 trẻ sử dụng các thiết bị kết nối internet. Tại Việt Nam, 66,1% trẻ em Việt Nam có cơ hội tiếp cận thiết bị kết nối internet, trong đó 43,4% có thời gian sử dụng trung bình từ 1-3 tiếng trong một ngày.
Chia sẻ tại buổi hội thảo, bà Phạm Thị Thủy - Phòng phát triển và tham gia của trẻ em (Cục Trẻ em) cho rằng ngoài việc tìm kiếm thông tin, học tập thì việc trẻ em tham gia vào môi trường mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như trẻ bị bắt nạt, xâm hại tình dục, bóc lột tình dục trên môi trường mạng. Trẻ cũng có nguy cơ phải đối mặt với những hình ảnh, nội dung, ứng xử không phù hợp, bị thu thập thông tin, dữ liệu cá nhân trái quy định pháp luật, bị dụ dỗ lôi kéo, lừa đảo tham gia vào các hoạt động không lành mạnh trên môi trường mạng, hay dễ nhận thấy nhất là dễ bị “nghiện” internet/ trò chơi điện tử trực tuyến.
Tại Việt Nam, 21% thanh thiếu niên tham gia khảo sát cho biết rằng họ đã từng là nạn nhân của bắt nạt trên mạng, 75% các em không biết về đường dây nóng hoặc các dịch vụ có thể giúp khi bị bắt nạt hoặc bị bạo lực trên mạng.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong rằng, với nhiều hoạt động hợp tác và hỗ trợ hơn nữa, trong thời gian tới sẽ góp phần đảm bảo rằng mỗi trẻ em sẽ được hưởng đầy đủ các quyền như đã được quy định trong Công ước về quyền trẻ em, vì một cộng đồng ASEAN không bỏ ai lại phía sau.
Lên tiếng về tình trạng trẻ em bị bạo lực ngay trong trường học, nhiều em nhỏ đến từ các quốc gia ASEAN đều lên án mạnh mẽ hành vi này và mong muốn nhanh chóng được loại bỏ để trả lại môi trường học tập an toàn, lành mạnh. Không chỉ đánh đập nhau mới là bạo lực trẻ em mà việc ngăn ngừa không cho ai chơi với nhau cũng là bắt nạt. Đây là vấn đề cần được loại bỏ để không trẻ em nào còn bị bắt nạt. Rất nhiều nạn nhân của các vụ bắt nạt không muốn ai biết vì mỗi lần muốn nói ra câu chuyện bị bắt nạt cảm thấy rất khó.
Chia sẻ về câu chuyện bị bắt nạt trên môi trường mạng, Uyển Nhi đến từ Đà Nẵng, Việt Nam (14 tuổi) kể câu chuyện thực tế của bạn em. Khi bạn của Uyển Nhi 12 tuổi, bạn của bạn ấy tạo nhóm chát và bạn ấy vào trong nhóm đó. Trong nhóm chát, bạn ấy bị bêu rếu, nói xấu. Việc bị bắt nạt không chỉ diễn ra trong nhóm chát, từ nhóm chát này không biết có chuyện gì xảy ra mà trên lớp bạn cũng không được tham gia vào hoạt động nào cùng bạn bè. Uyển Nhi cho rằng, bắt nạt trên môi trường mạng còn ghê gớm hơn bắt nạt ngoài đời bởi những hành vi bêu rếu nói xấu có thể là người nặc danh, không thể biết là ai.
Để phòng ngừa bị bắt nạt, Uyển Nhi cho rằng, trẻ em cần được tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức về phòng ngừa bạo lực. Muốn thế, giáo viên cần có hình thức tuyên truyền phù hợp cho mọi trẻ em. "Bởi phòng ngừa bạo lực cho bạn cũng là phòng ngừa cho chính mình vì thế chúng ta cần phải lên tiếng để chấm dứt bạo lực trẻ em", Uyển Nhi chia sẻ.