Lúc nào châu Á có vắc xin COVID-19?

Thông tin Y học - Ngày đăng : 10:17, 27/11/2020

Pfizer, Moderna, AstraZeneca đều đã công bố dữ liệu cho thấy vắc xin ngừa COVID-19 của mình đạt hiệu quả cao. Nếu được cơ quan quản lý phê duyệt thì họ có thể bắt đầu ngay công tác phân phối.

Tuy nhiên, phần lớn lượng vắc xin đợt đầu sẽ thuộc về Mỹ và châu Âu, các nước châu Á chưa thể có sớm.

un0200242.jpg
Cuộc đua giành những lô vắc xin đầu tiên diễn ra song song với cuộc đua phát triển vắc xin - Ảnh: UNICEF

Úc

Chính quyền Canberra đạt thỏa thuận mua 135 triệu liều: 34 triệu từ AstraZeneca, 40 triệu từ Novavax, 10 triệu từ Pfizer, 51 triệu từ CSL. Dự kiến 3,8 triệu liều vắc xin đầu tiên cung cấp bởi AstraZeneca được phân phối trong tháng 1 hoặc tháng 2 năm sau.

Bên cạnh mua từ nước ngoài, Úc cũng tự phát triển vắc xin. Sản phẩm do đại học Queensland nghiên cứu chế tạo chỉ mới bước vào giai đoạn thử nghiệm trên người vào giữa tháng 7.

Trung Quốc

Chính quyền Bắc Kinh không công bố thỏa thuận mua vắc xin nào, nhưng các hãng dược phương Tây có hợp tác với công ty tư nhân Trung Quốc.

Vắc xin AstraZeneca có khả năng được phê duyệt tại nước này vào giữa năm 2021. Công ty Chế phẩm sinh học Khang Thái - đối tác tại Trung Quốc của họ - lên kế hoạch sản xuất ít nhất 100 triệu liều vào cuối năm 2020.

Với vắc xin Pfizer, một đơn vị thuộc Tập đoàn Dược phẩm Phú Tinh (Thượng Hải) đang chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 2. Công ty Rhodiola (Tây Tạng) cũng dự tính sớm triển khai thử nghiệm vắc xin Sputnik V của Nga tại Trung Quốc.

Giới chức nước này còn cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 3 vắc xin phát triển bởi đơn vị nội địa - Sinovac và Sinopharm. Sinopharm hy vọng 2 sản phẩm của mình được phê duyệt tiêm chủng rộng rãi trong năm nay.

ma_1204_nf_chinavaccine_preview.jpg
Trung Quốc đến nay đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 3 vắc xin phát triển bởi đơn vị nội địa - Ảnh: Live Science

Nhật Bản

Chính quyền Tokyo đạt thỏa thuận mua 120 triệu liều từ Pfizer trong nửa đầu năm 2021, 120 triệu liều từ AstraZeneca (30 triệu liều đầu giao trước tháng 3.2021) và 250 triệu liều từ Novavax. Họ cũng đặt hàng Shionogi & Co, đang thương lượng với Johnson & Johnson.

Theo giới chuyên gia, các hãng dược phải tiến hành ít nhất 1 - 2 thử nghiệm tại Nhật trước khi xin cấp phép.

Hàn Quốc

Chính quyền Seoul đặt mục tiêu đảm bảo vắc xin cho 10 triệu người nhờ COVAX (sáng kiến chia sẻ vắc xin COVID-19 do WHO và Liên minh Toàn cầu về vắc xin đồng sáng lập) và 20 triệu người nữa từ một số thỏa thuận đặt hàng riêng.

Giới chức y tế nước này tuyên bố số lượng, thời gian giao hàng tùy thuộc tiến độ sản xuất. Do cần thời gian quan sát tác dụng phụ tiềm ẩn nên tiêm chủng rộng rãi có thể phải chờ đến quý 2 năm sau.

Ấn Độ

Ngày 23.11, người đứng đầu Viện Huyết thanh Ấn Độ cho biết kết quả thử nghiệm tích cực vừa công bố giúp AstraZeneca xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vào cuối năm 2020, sau đó triển khai chương trình tiêm chủng đầy đủ từ tháng 2 - tháng 3 năm sau.

Ngoài ra Ấn Độ còn đang cho thử nghiệm vắc xin Sputnik V đồng thời dự định tung ra sản phẩm tự phát triển vào đầu năm 2021.

Đài Loan

Chính quyền Đài Bắc đặt mục tiêu mua khoảng 15 triệu liều thông qua COVAX cùng một số thỏa thuận riêng. Họ hy vọng có thể khởi động chương trình tiêm chủng rộng rãi vào quý 1.2021.

Đông Nam Á

Việt Nam cũng tìm kiếm nguồn cung vắc xin từ COVAX và thỏa thuận riêng, bên cạnh tự phát triển vắc xin.

Philippines muốn có 60 triệu liều nên đang đàm phán với AstraZeneca (ít nhất 20 triệu liều), Pfizer và Sinovac. Các hãng dược có thể xin cấp phép ngay cả khi không tiến hành thử nghiệm tại địa phương.

Indonesia mong sở hữu 106 - 107 triệu liều thông qua COVAX. Nước này đang thử nghiệm vắc xin Sinovac và chuẩn bị tiêm chủng cho nhân viên ở tuyến đầu chống dịch từ tháng 1 năm sau.

Cẩm Bình