‘Doanh nghiệp công nghệ số hãy coi Bộ TT-TT là cơ chế một cửa’

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:08, 27/11/2020

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn các doanh nghiệp liên quan đến công nghệ số hãy coi Bộ TT-TT là cơ chế 1 cửa, là đầu mối duy nhất của doanh nghiệp công nghệ số.

Công bố “bài toán” chuyển đổi số vào đầu năm 2021

Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2020 diễn ra trong khuôn khổ Techfest Vietnam 2020 chiều 27.11 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ trưởng, Thứ trưởng các Bộ đã trực tiếp trả lời, giải đáp những câu hỏi của các doanh nghiệp, tạo môi trường tốt nhất cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, liên quan đến nhóm chủ đề chuyển đổi số trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã ký Quyết định về Chiến lược chuyển đổi số Việt Nam, trong đó có nhiều vấn đề đặt ra. Việt Nam là quốc gia chuyển đổi số rất nhanh nhưng còn nhiều vấn đề bất cập tồn tại.

screenshot-78-.png
Diễn đàn được diễn ra vào chiều 27.11 tại Hà Nội - Ảnh: T.A

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số và khởi nghiệp nói chung liên kết với nhau rất chặt. Việt Nam đã chính thức tuyên bố 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia. Trên cương vị là người đứng đầu Bộ TT-TT, Bộ trưởng phân tích: “Doanh nghiệp cần nhất đầu ra, Chính phủ là hộ tiêu dùng lớn nhất quốc gia, Chính phủ tiêu xài vào đâu thì chỗ đó sẽ phát triển. Chính phủ sẽ có ưu tiên mua sắm các sản phẩm công nghệ và mua sắm những giải pháp mang tính đổi mới sáng tạo, ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bộ trưởng cũng mong muốn các doanh nghiệp liên quan đến công nghệ số hãy coi Bộ TT-TT là cơ chế 1 cửa, đầu mối duy nhất của doanh nghiệp công nghệ số. Nhiều quốc gia đã xây dựng thể chế cho công nghệ số, cho CMCN 4.0 và theo Bộ trưởng Hùng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra quyết định rất quan trọng là Việt Nam sẽ thành lập một Trung tâm xây dựng chính sách cho công nghệ 4.0 cho các mô hình kinh doanh mới, hợp tác với Diễn đàn thế giới. Hiện Trung tâm này được đặt tại Bộ TT-TT và sẽ chính thức được vận hành vào đầu năm 2021.

Với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho rằng điều cần nhất là “bài toán”, Chính phủ có chủ trương công bố “bài toán” của Chính phủ cho toàn dân biết và Bộ TT-TT là đầu mối công bố những bài toán chuyển đổi số, bắt đầu công bố từ tháng 1.2021 trên website của Bộ TT-TT.

Nói đến chuyển đổi số thì tài nguyên lớn nhất chính là dữ liệu, Bộ TT-TT đã khai trường Cổng quốc gia về dữ liệu và hiện có hơn 10.000 bộ dữ liệu. Bên cạnh đó, Bộ TT-TT hiện đã đứng ra làm công việc đánh giá, công bố, quảng bá các sản phẩm công nghệ số Việt Nam phục vụ cho chuyển đổi số.

Về thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, toàn dân, Bộ trưởng Bộ TT-TT
nói: “Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia, các Bộ và địa phương phải ban hành Chương trình chuyển đổi số của chính mình, hiện đã có 20 Bộ ngành, tỉnh thành đã tuyên bố. Dự kiến nửa đầu năm 2021, tất cả các Bộ, ngành, địa phương sẽ tuyên bố Chương trình chuyển đổi số”. 

Đặc biệt, tại Diễn đàn, Bộ TT-TT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung nhiệm vụ chuyển đổi số cho Cục CNTT của các Bộ và đổi tên thành Cục Chuyển đổi số, tạo đầu mối cho các startup.

126957498_734264987177896_3469339706755178047_n.jpg
Các gian hàng trưng bày sản phẩm tại Techfest Vietnam 2020 - Ảnh: T.A

Khởi nghiệp sáng tạo - động lực then chốt phát triển kinh tế

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn (Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam), khởi nghiệp sáng tạo được coi là động lực then chốt thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, là chìa khóa để Việt Nam chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống, vốn dựa vào lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên, sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên năng suất và đổi mới sáng tạo.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng và Nhà nước đã thống nhất quan điểm phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông qua một số văn bản định hướng và các chương trình hành động cụ thể.

Kể từ sau Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018, nhiều chính sách đã được các Bộ, ngành tiếp thu và điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó là hàng loạt các chương trình của Chính phủ và các Bộ, ngành thông qua các đề án quốc gia nhằm hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết 2019 là năm đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam khi chứng kiến sự bùng nổ về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các thương vụ đầu tư mạo hiểm.

Cụ thể, với sự xuất hiện ngày càng nhiều các không gian làm việc chung, vườn ươm, chương trình tăng tốc và các cuộc thi dành riêng cho khởi nghiệp sáng tạo, cùng với sự ưu tiên hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong chương trình nghị sự của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, Việt Nam đã và đang nhanh chóng trở thành ngôi sao sáng trong bức tranh khởi nghiệp ở Đông Nam Á.

Thu Anh