Vị thế ở Iran của giáo sư hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh vừa bị ám sát

Quốc tế - Ngày đăng : 10:00, 28/11/2020

Truyền thông Iran hiếm khi nhắc đến Mohsen Fakhrizadeh, thường chỉ mô tả ông là giáo sư đại học.

Rất lâu sau khi chương trình vũ khí hạt nhân Iran chính thức bị từ bỏ thì phương Tây mới công khai xác định giáo sư Fakhrizadeh là nhân vật chủ chốt trong nỗ lực này. Vài năm gần đây, ông xuất hiện nhiều hơn bên cạnh nhà lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei tại một số sự kiện. Vụ ám sát hôm 27.11 khiến cái tên Fakhrizadeh được biết đến nhiều hơn.

iran000.jpg
Giáo sư hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh (ngoài cùng bên phải) - Ảnh: Reuters

Một số nhà phân tích so sánh cái chết của giáo sư Fakhrizadeh nghiêm trọng như vụ sát hại tướng Qasem Soleimani vào tháng 1 năm nay. Thạc sĩ Simon Henderson thuộc Viện nghiên cứu Chính sách vùng Cận Đông (Washington) cho hay: “Dù hoạt động ở lĩnh vực khác nhau nhưng cả hai tương đương nhau về thâm niên công tác lẫn uy tín trong nội bộ Iran”.

Học giả Karim Sadjadpour thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế xác định: “Fakhrizadeh nắm rõ chương trình hạt nhân Iran hơn bất cứ ai. Mất đi sự lãnh đạo cùng sự hiểu biết của ông chắc chắn là đòn giáng mạnh với quốc gia Hồi giáo”. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng mất đi một nhân vật lão làng chẳng gây ảnh hưởng quá lớn đến chương trình phát triển vũ khí.

Thạc sĩ Henderson nhận xét: “Những người như vậy rất quan trọng nhưng không phải không thể thay thế. Sau khi tướng Soleimani bị sát hại, Iran vẫn triển khai hoạt động ở nước ngoài như thông thường”.

Giáo sư chính trị học Vipin Narang thuộc Viện công nghệ Massachusetts (MIT) có cùng quan điểm: “Hiện nay, không ít người trong chương trình hạt nhân Iran đủ khả năng thiết kế một đầu đạn nếu cần thiết”.

asdsadsacsavsags-e1606503342393.jpg
Hiện trường vụ ám sát giáo sư Fakhrizadeh - Ảnh: Fars News

Giống như tướng Soleimani, Fakhrizadeh tham gia cuộc cách mạng lật đổ vua Shah Mohammad Reza Pahlavi lúc mới 18 - 19 tuổi. Sau đó, ông gia nhập lực lượng Vệ binh quốc gia Iran (IRGC) rồi dần trở thành nhân vật chủ chốt trong chương trình vũ khí hạt nhân.

Với tư cách Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vật lý Iran, ông góp phần vạch ra kế hoạch và mua sắm linh kiện cho nhà máy làm giàu uranium đầu tiên của quốc gia Hồi giáo.

Iran năm 2003 ngừng chương trình vũ khí hạt nhân do áp lực từ phương Tây. Fakhrizadeh gần như mai danh ẩn tích nhưng vẫn có tên trong danh sách 8 công dân Iran chịu hạn chế đi lại cùng hạn chế tài chính theo một nghị quyết Liên Hợp Quốc ban hành năm 2007.

Theo hàng nghìn tài liệu của Iran mà Israel có được, Fakhrizadeh chính là nhân vật lãnh đạo chương trình vũ khí hạt nhân từ năm 1998.

Phía Mỹ cùng Israel xác định Fakhrizadeh sau năm 2003 vẫn phụ trách giám sát các tổ chức thực hiện nghiên cứu liên quan đến hạt nhân. Vụ ám sát mới nhất khiến truyền thông Iran chú ý đến nhân vật này hơn: Một số báo gọi ông là người đứng đầu Tổ chức Nghiên cứu & Đổi mới thuộc Bộ Quốc phòng, vài báo khác đưa tin ông có tham gia nỗ lực đối phó đại dịch COVID-19 của quân đội.

Cẩm Bình