Vì sao hàng ngàn nhà khoa học Nhật Bản tha phương cầu thực ở Trung Quốc?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:00, 28/11/2020

Chính phủ Nhật Bản phải khẩn trương cải thiện môi trường nghiên cứu trong nước để ngăn chặn chảy máu chất xám.

Theo trang Nikkei, với các nhà khoa học Nhật Bản, sức hút của Trung Quốc như địa điểm lý tưởng để theo đuổi nghiên cứu khoa học dường như chỉ ngày càng mạnh mẽ hơn.

Xu hướng này đang thu hút sự chú ý khi Chính phủ Trung Quốc chủ động mời các học giả tầm cỡ từ khắp nơi trên thế giới. Trong khi đó, các học giả Nhật Bản thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các vị trí đăng tuyển tại các trường đại học và các học viện trong nước, cho thấy nhu cầu cấp thiết là phải cải thiện cách đối xử với các học giả, đặc biệt là những người trẻ tuổi, để áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự ra đi của các tài năng.

Toru Takahata, người nghiên cứu não loài linh trưởng tại Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) cho biết: “Tôi muốn làm việc ở Nhật Bản nhưng không tìm thấy bài đăng tuyển nào”.

Năm nay 43 tuổi, Toru Takahata lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Cao học Nhật Bản năm 2005 và bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu của mình với tư cách là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Vanderbilt, Mỹ vào năm 2008. Anh tìm kiếm một vị trí ở Nhật Bản bắt đầu từ khoảng năm 2013 nhưng bất thành. Sau đó, Toru Takahata nhìn ra nước ngoài và đặt chân đến Đại học Chiết Giang vào năm 2014. Môi trường nghiên cứu rất thuận lợi tại trường, nơi Toru Takahata có phòng thí nghiệm riêng tại viện mới được xây dựng. Ngoài tiền bồi thường, Toru Takahata đã nhận được số tiền tương đương 50 triệu yên (478.652 USD) cho 5 năm hoạt động nghiên cứu mà không bị hạn chế.

Dù các yêu cầu về thành tích nghiên cứu rất khắt khe nhưng mức thù lao cho các học giả cho kết quả thành công cao hơn nhiều so với ở Nhật Bản", Toru Takahata nói.

Trung Quốc cũng đang thu hút các học giả kỳ cựu của Nhật Bản.

Toshitaka Kajino (64 tuổi), giáo sư tại Đài quan sát thiên văn quốc gia Nhật Bản, vào tháng 10.2016 đã trở thành Giám đốc đầu tiên của Trung tâm nghiên cứu quốc tế về vũ trụ và vụ nổ lớn tại Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Bắc Kinh. Được biết đến như người có thẩm quyền trong lĩnh vực vật lý lý thuyết, Toshitaka Kajino đã chấp nhận lời mời nồng nhiệt từ Chính phủ Trung Quốc với mức thù lao hàng năm cao hơn so với các giáo sư khác làm việc tại nước này.

Đồng thời giữ vị trí ở Nhật Bản, Toshitaka Kajino thực hiện một nửa công việc nghiên cứu của mình ở Trung Quốc. Ông nói: “Việc dạy học sinh Trung Quốc rất đáng giá vì họ có động lực cao”.

vi-sao-hang-ngan-nha-khoa-hoc-nhat-ban-phai-tha-phuong-cau-thuc-o-trung-quoc.jpg
Nhà vật lý lý thuyết Toshitaka Kajino (bên phải) đã gia nhập Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Bắc Kinh vào tháng 10.2016 theo lời mời của trường này

Số lượng học giả Nhật Bản làm việc tại Trung Quốc không ngừng tăng lên. Khoảng 8.000 người trong số họ đã ở Trung Quốc tính đến tháng 10.2017, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết.

Số học giả Nhật Bản ở lại Trung Quốc trong năm tài chính 2018 là 18.460 người, tăng khoảng 25% so với năm tài chính 2014 và đánh dấu sự gia tăng năm thứ tư liên tiếp, theo Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản.

Tính theo quốc gia, Trung Quốc có số lượng học giả Nhật Bản lớn thứ hai. Số lượng học giả Nhật Bản ở Mỹ và Hàn Quốc lần lượt xếp thứ nhất và thứ ba nhưng đang giảm dần.

Sự hiện diện ngày càng nhiều của các học giả Nhật Bản tại Trung Quốc gây chú ý khi truyền thông Nhật gần đây đưa tin rằng "Kế hoạch ngàn nhân tài" của Trung Quốc tuyển dụng các chuyên gia quốc tế hàng đầu về nghiên cứu khoa học để khai thác sức mạnh công nghệ của họ, đặt ra mối đe dọa an ninh quốc gia với đất nước. Mùa xuân năm 2016, Toshitaka Kajino được đưa vào danh sách các học giả mong muốn của kế hoạch đó.

Không nghi ngờ gì về việc Trung Quốc đang tích cực tuyển dụng các học giả. Theo Viện Chính sách Chiến lược Úc, Trung Quốc có hơn 600 cơ sở tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài, trong đó có 46 tại Nhật Bản. Chúng thường được điều hành bởi các nhóm có thiện cảm với Trung Quốc trên khắp thế giới.

Trong nhiều trường hợp, các học giả chính thức được mời đến các trường đại học Trung Quốc làm việc sau khi thiết lập quan hệ với họ trong các chuyến công tác hoặc các chuyến thăm ngắn hạn khác tới nước này, theo Miho Funamori - Phó giáo sư tại Viện Tin học Quốc gia Nhật.

Các chuyên gia chỉ ra rằng các học giả Nhật Bản tìm kiếm cơ sở nghiên cứu ở Trung Quốc bất chấp rủi ro của dòng chảy công nghệ vì điều kiện làm việc ở Nhật kém.

Eisuke Enoki, chuyên gia Nhật Bản quen thuộc với việc tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc, cho biết: “Có vẻ như các học giả tài năng đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo quỹ nghiên cứu hoặc thiếu hụt vị trí đăng tuyển thường nhận được lời đề nghị từ Trung Quốc”.

Trung Quốc dành khoản tương đương 28 ngàn tỉ yên cho ngân sách khoa học và công nghệ trong năm tài chính 2018, so với 3,8 nghìn tỉ yên của Nhật Bản. Các học giả dưới 40 tuổi chiếm 23,4% giảng viên tại các trường đại học Nhật Bản, mức thấp nhất được ghi nhận vào năm 2016, minh chứng cho sự khó khăn của những người trẻ tuổi đảm bảo vị trí giảng dạy và nghiên cứu.

Số người có bằng tiến sĩ tiếp tục giảm ở Nhật Bản. Tuy nhiên, Toru Takahata nói: "Bằng cấp rất phổ biến ở Trung Quốc vì nó đảm bảo các vị trí và mức lương cao".

Nhân Hoàng