Vụ ám sát trùm dự án hạt nhân: Israel sợ Iran trả thù bằng đánh bom liều chết
Quốc tế - Ngày đăng : 08:35, 29/11/2020
Iran từng nhắm mục tiêu vào các đại sứ quán Israel trong quá khứ.
Theo tờ Jerusalem Post (Israel), lo sợ phản ứng của Iran với vụ ám sát Mohsen Fakhrizadeh hôm 27.11, Israel đã tăng cường an ninh tại các đại sứ quán của mình trên toàn cầu.
Tình trạng cảnh giác cao độ do lo ngại rằng Iran sẽ cố gắng tấn công người Israel để trả thù cho việc Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát và Cộng hòa Hồi giáo đã đổ tội cho Israel.
Các cộng đồng Do Thái trên khắp thế giới cũng được hướng dẫn để cảnh giác hơn.
Được biết đến lực lượng khủng bố ở châu Âu, châu Phi, châu Á và Nam Mỹ, Iran có nhiều lựa chọn khác nhau để trả thù. Có thể tấn công một đại sứ quán của Israel giống từng xảy ra vào năm 1992 sau khi Israel giết chết thủ lĩnh của Hezbollah, Abbas Musawi ở miền nam Li Băng.
Thời điểm đó, một xe tải nhỏ mang theo bom đã nổ tung bên ngoài Đại sứ quán Israel ở Buenos Aires (Argentina), giết chết 29 người, trong đó có 3 nhân viên đại sứ quán Israel, 6 nhân viên đại sứ quán địa phương và nhiều nạn nhân Argentina vô tội, bao gồm cả học sinh và những người cao tuổi của viện dưỡng lão gần đó.
Iran trong quá khứ cũng cố gắng nhằm vào các nhân viên đại sứ quán Israel. Vào ngày 13.2.2012, hai quả bom đã được gài trên ô tô nhà ngoại giao của Israel ở New Delhi (Ấn Độ) và Tbilisi (Georgia). Quả bom ở Tbilisi không phát nổ và được cảnh sát Gruzia tháo gỡ, trong khi quả bom tại New Delhi nổ và làm bị thương một nhân viên đại sứ quán.
Israel sau đó đã cáo buộc Iran thực hiện các vụ tấn công.
Một lựa chọn khác là tấn công khách du lịch Israel ở nước ngoài giống như Iran đã làm ở Burgas (Bulgaria) năm 2012. Một kẻ đánh bom liều chết Iran đã tự nổ tung trước cửa xe buýt du lịch của Israel ở Burgas, giết chết 5 người Israel và tài xế người Bulgaria.
Cuộc tấn công diễn ra sau nhiều nỗ lực của Iran và Hezbollah nhằm trả thù cho vụ ám sát chỉ huy quân sự Imad Mughniyeh của Hezbollah năm 2008 do Israel gây ra.
Iran cũng có thể điều một máy bay không người lái có vũ trang qua biên giới phía Bắc vào Israel giống năm 2018. Thời điểm đó, một máy bay trực thăng của Không quân Israel (IAF) bắn hạ máy bay không người lái chứa đầy chất nổ đang trên đường tới một nơi nào đó ở miền Bắc Israel. Để đáp trả, Israel đã ném bom hơn một chục mục tiêu của Syria và Iran trên khắp lãnh thổ Syria, bao gồm cả một căn cứ mà Iran đã điều khiển máy bay không người lái.
Hôm qua, Tổng thống Iran - Hassan Rouhani đã cáo buộc Israel ám sát Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học nổi tiếng của nước này bị phương Tây nghi ngờ điều hành chương trình bom hạt nhân bí mật.
Ông Hassan Rouhani nói: “Một lần nữa, bàn tay độc ác lính đánh thuê theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái (ám chỉ Israel) đã nhuốm máu của một người con trai Iran. Vụ ám sát Fakhrizadeh cho thấy sự tuyệt vọng và lòng căm thù sâu sắc của kẻ thù chúng ta” nhưng khẳng định: “Việc tử vì đạo của ông ấy sẽ không làm chậm thành tựu của chúng ta”.
Tổng thống Hassan Rouhani nói trong cuộc họp nội các trên truyền hình rằng Iran sẽ đáp trả "vào thời điểm thích hợp".
Ayatollah Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao Iran, viết trên Twitter rằng các quan chức Iran phải nhận nhiệm vụ "theo đuổi tội ác này, trừng phạt những kẻ gây ra nó và những kẻ đã chỉ huy nó".
Syria nói việc giết Mohsen Fakhrizadeh là "hành động khủng bố" sẽ làm tăng thêm căng thẳng.
“Chắc chắn Iran sẽ trả đũa. Khi nào và như thế nào phụ thuộc vào lợi ích quốc gia của chúng ta. Nó có thể xảy ra trong vài ngày hoặc vài tuần tới, nhưng nó sẽ xảy ra”, một quan chức cấp cao của Iran nói với Reuters. Ông này nhắc lại cuộc tấn công tên lửa trả đũa của Iran hồi tháng 1 vào căn cứ của Iraq, nơi lực lượng Mỹ đóng quân, chỉ vài ngày sau khi máy bay không người lái của Mỹ giết chết chỉ huy quân sự hàng đầu Iran - tướng Qassem Soleimani ở Baghdad.
Fereydoon Abbasi, cựu lãnh đạo Tổ chức Năng lượng Nguyên tử của Iran, người đã sống sót sau một vụ ám sát năm 2010, cho biết: “Sự tử vì đạo của Fakhrizadeh sẽ thúc đẩy công việc hạt nhân của chúng tôi”.
Ít nhất 4 nhà khoa học đã bị giết trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2012, điều mà Tehran nói là kế hoạch ám sát nhằm phá hoại chương trình năng lượng hạt nhân của nước này. Iran luôn phủ nhận việc theo đuổi vũ khí hạt nhân, nói rằng mục tiêu của họ chỉ là hòa bình.
Israel từ chối bình luận về vụ sát hại Fakhrizadeh và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Israel cho biết Bộ này không bình luận về vấn đề an ninh liên quan đến các phái bộ ở nước ngoài.
Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Mỹ, CIA và nhóm chuyển tiếp của Biden cũng từ chối bình luận về vụ Fakhrizadeh bị giết.
Robert Malley, người từng là cố vấn về Iran cho Obama và cố vấn không chính thức cho nhóm chuyển tiếp của Biden, nói việc giết Mohsen Fakhrizadeh nằm trong số một loạt các động thái đã xảy ra trong những tuần cuối cùng trong nhiệm kỳ của Trump dường như nhằm mục đích khiến Biden khó tái tương tác với Iran hơn.
Amos Yadlin, cựu giám đốc tình báo quân đội Israel và giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel, viết trên Twitter: “Cho dù Iran bị cám dỗ trả thù hay tự kiềm chế, điều đó sẽ khiến Biden khó quay trở lại thỏa thuận hạt nhân”.
Theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran đồng ý hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018, các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran đã gia tăng, làm giảm xuất khẩu dầu và làm tê liệt nền kinh tế của nước này.
Mohsen Fakhrizadeh được cho là người lãnh đạo Dự án Amad - nỗ lực của Iran nhằm đạt được vũ khí hạt nhân.
Theo cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, dự án đã bị dừng vào năm 2003 nhưng các quan chức Israel đã nhiều lần cảnh báo rằng Iran vẫn chưa từ bỏ ý định có được hạt nhân.
Người đàn ông được mệnh danh là cha đẻ của chương trình hạt nhân Iran gần như mai danh ẩn tích. Nhiều nỗ lực từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để tiếp cận Mohsen Fakhrizadeh cho một cuộc phỏng vấn nhưng bị Iran ngăn cản.
Năm 2013, Mohsen Fakhrizadeh được cho đã đến Triều Tiên dưới danh tính giả để chứng kiến một vụ phóng thử tên lửa.
Tháng 4.2018, Thủ tướng Israel - Benjamin Netanyahu lần đầu tiên tiết lộ khuôn mặt của Mohsen Fakhrizadeh với thế giới trong bài thuyết trình trên truyền hình dựa trên hàng loạt tài liệu được Mossad (Cục tình báo nước nhà của Israel) trích xuất từ một nhà kho ở Tehran.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nói: "Hãy nhớ cái tên đó, Fakhrizadeh " sau khi thông báo rằng Mossad đã lấy được 100.000 file từ kho lưu trữ hạt nhân bí mật của Iran. Các file này tập trung vào chương trình hạt nhân bí mật của Iran được phát triển từ năm 1999 đến 2003 có tên là Dự án Amad, do Fakhrizadeh điều hành. Khi tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran đã phủ nhận rằng có một chương trình như vậy.