Một cán bộ ở Bình Phước bị kẻ lạ đột nhập vào nhà chém đứt lìa chân trái
Sự kiện - Ngày đăng : 18:11, 30/11/2020
Chiều 30.11, thông tin từ Bệnh viện Quân y 175 cho hay, bệnh viện đang tiếp nhận và điều trị một cán bộ ở huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) bị kẻ lạ đột nhập vào nhà dùng dao chém đứt lìa 1/3 cẳng chân trái.
Bệnh nhân là ông L.V.Đ. (50 tuổi, trú tại huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) - một cán bộ đang công tác ở huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Ông Đ. được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng da tím tái, đứt gần lìa 1/3 cẳng chân trái, 2 xương cẳng chân gãy hở.
Theo thông tin ban đầu, vào trưa 28.11, ông Đ. vừa đi làm về thì có 2 thanh niên đi trên một xe máy chạy đến trước cổng, 1 người ngồi trên xe ở ngoài cổng, 1 người đi vào nhà hỏi con trai ông Đ. có ở nhà hay không. Sau khi nghe câu trả lời con ông Đ. không có nhà, người này lập tức vung dao chém ông Đ. rồi bỏ đi.
Ngay sau đó, vợ ông Đ. tri hô và được hàng xóm hỗ trợ đưa ông đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Phú Riềng. Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Quân y 175 TP.HCM.
Bác sĩ Phạm Xuân Tuấn - Khoa chi dưới, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng da đã tím tái và đứt gần lìa 1/3 cẳng chân trái, 2 xương cẳng chân gãy hở, nhịp tim 130-140 lần/phút, huyết áp dao động 130/90.
Ngay lập tức, bệnh viện đã kích hoạt Code Red (hệ thống báo động tình huống khẩn cấp) các khoa có liên quan tiến hành hội chẩn, chụp CT mạch và báo động các kíp vi phẫu, kíp trực can thiệp mạch cùng phối hợp để tiến hành phẫu thuật. “Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ đồng hồ và được thực hiện thành công. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định”, bác sĩ Tuấn cho hay.
Theo bác sĩ Tuấn, nếu bệnh nhân này tới chậm hơn thì khả năng không thể giữ được chân, vì khi đó chi sẽ bị hoại tử do thiếu máu. “Nhờ quy trình báo động đỏ nội viện được kích hoạt, các bác sĩ tại các khoa của bệnh viện chạy đua với thời gian để nỗ lực cứu chữa giữ lại chân cho bệnh nhân. Rất may mắn cho bệnh nhân này là đã đến kịp thời, nên máu ở chân vẫn còn tốt, nếu không là không thể giữ được chân”, bác sĩ Tuấn nói và cho biết sau khi bệnh nhân ổn định sẽ tiến hành ghép xương bên trong cho bệnh nhân.