Xâm hại tình dục trẻ em: vì sao dư luận phẫn nộ?

Góc bình luận - Ngày đăng : 11:03, 07/04/2019

Những ngày qua, người phải hứng chịu những “búa rìu dư luận” nhất có lẽ là ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân TP.Đà Nẵng.
Ảnh minh họa

Chỉ vì một phút hôn hít, sờ soạng một bé gái trong thang máy thôi, ông đã chịu một cơn phẫn nộ chưa từng có của dư luận. Có thể hiểu vì sao lại cơn bão phê phán, phỉ báng lại đổ ập lên đầu của nghi can vụ xâm hại tình dục trẻ em này dù đây chỉ là một trong hàng ngàn vụ xâm hại tình dục trẻ em diễn ra hàng năm.

Sự việc có lẽ đã lặng lẽ qua đi nếu như không có hình ảnh từ camera thang máy được phát đi trên mạng, bởi người bị cho là sàm sỡ có bước thoả thuận, hoà giải với gia đình nạn nhân. Ngay sau đó là một cơn phẫn nộ bùng phát. Báo chí “vào cuộc” và các “thám tử mạng” đã nhanh chóng điều tra ra lý lịch, nhân thân của người đàn ông “có vẻ lịch sự, đàng hoàng này”.

Và, ngay khi các cơ quan công an đang điều tra sự việc, chưa đi đến một kết luận nào thì nhiều cư dân mạng quá khích đã ra tay trước, “trừng phạt” nghi can này bằng nhiều hình phạt bêu riếu, sỉ nhục... có phần vượt quá những quy định pháp luật.

Vì sao các cư dân mạng lại sục sôi phẫn nộ đến thế, sôi sục phẫn nộ còn hơn cả vụ án Nguyễn Khắc Thuỷ ở Bà Rịa - Vũng Tàu hay vụ 10 thanh thiếu niên hiếp dâm tập thể một nữ sinh 14 tuổi, dù mức độ nghiêm trọng là thua xa? Cần nhớ rằng theo thống kê của Bộ Công an, chỉ riêng năm ngoái, đã có đến 1.269 vụ xâm hại tình dục trẻ em với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 trẻ em.

Có đến 425 em bị hiếp dâm, 606 em bị giao cấu, 232 em bị dâm ô. Một con số khủng khiếp bởi mỗi ngày trung bình có đến 3 - 4 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, và đó cũng chỉ là những vụ bị phát hiện, xử lý mà thôi chứ chưa kể đến những vụ chưa bị phát hiện.

Sự phẫn nộ của dư luận có lẽ bắt nguồn từ “giọt nước tràn ly”: án phạt 200.000 đồng đối với kẻ xâm hại tình dục một cô gái trong thang máy hay vụ một ông thầy sờ mông, sờ đùi hàng loạt học sinh mà không hề bị xử phạt. Hơn nữa, nghi can trong nghi án xâm hại tình dục trẻ em lần này lại là một cựu quan chức hành nghề lâu năm trong ngành pháp luật. Nhiều người hẳn sẽ e rằng việc xử phạt có thể không diễn ra hoặc “nhẹ hều”, không nghiêm minh, không có tính răn đe.

Sâu xa hơn, có lẽ sự phẫn nộ của cộng đồng đến từ sự mất mát niềm tin. Những kẻ ấu dâm đã gây ra sự thương tổn nặng nề đến sự vô tư, trong sáng cần có của tuổi thơ, của xã hội. Làm sao mà những đứa trẻ ngày nay còn giữ được sự ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên, tin cậy đối với người lớn khi chúng có thể lúc nào đó lại “làm mồi" cho những nhu cầu bệnh hoạn, tội lỗi của những kẻ ấu dâm?

Làm sao chúng không giương mắt nghi ngờ, sợ hãi đối với người lớn khi được răn đe hàng ngày về việc phải cảnh giác, phải đề phòng ngay cả với những người “có vẻ đàng hoàng, lịch sự” như ông Nguyễn Hữu Linh? Tệ hơn nữa là những việc xâm hại tình dục thường gây ảnh hưởng đến tâm lý, đến tính cách, đến vận mệnh cả đời của những đứa trẻ bị xâm hại như các nhà tâm lý đã chỉ ra.

Ở các nước tiên tiến, luật pháp đã sớm nhận ra tính chất nghiêm trọng của tội ấu dâm. Như nước Pháp, việc xúc phạm đến sự bẽn lẽn, ngây thơ và xâm hại tình dục bị xem là một trọng tội và kẻ thủ ác có thể bị kết án từ 15 - 20 năm tù khổ sai.

Luật pháp nước ta trong những trường hợp này dường như chỉ đợi đến “mất bò mới lo làm chuồng”. Mới đây, sau những bức xúc, phẫn nộ của dư luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nhanh chóng ra chỉ thị yêu cầu các đơn vị công an điều tra và đưa ra xét xử những vụ án điểm tội xâm hại tình dục trẻ em để có tác dụng răn đe. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng hiệu quả của những biện pháp chống các loại tội phạm này còn hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

Cho dù là có nhiều trường hợp “quá khích” khó có thể chấp nhận, nhưng sự phẫn nộ với các tội xâm hại tình dục trẻ em như vụ nghi án ở chung cư Galaxy quận 4 là có thể hiểu được, và đó cũng có thể là tiền đề cho một sự nhận thức mới, một dự luật mới cho các loại tội phạm đáng ghê tởm này...

Đoàn Đạt