Từ lời nói gây thù hận đến ảnh khỏa thân, Ban giám sát độc lập Facebook chọn ra 6 trường hợp đầu tiên

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 21:20, 01/12/2020

Ban giám sát nội dung độc lập hôm 1.12 đã công bố 6 trường hợp đầu tiên mà họ có thể vượt qua các quyết định của Facebook để kiểm duyệt nội dung trên nền tảng mạng xã hội này.

Ban giám sát độc lập sẽ đưa ra quyết định kiểm duyệt nội dung trên Facebook, cụ thể là về việc xử lý các khiếu nại với nội dung bị chặn hoặc xóa.

Ban giám sát này do Facebook lập ra để đáp lại những lời chỉ trích về cách xử lý nội dung có vấn đề, cho biết đã nhận được 20.000 trường hợp kể từ khi mở cửa vào tháng 10.

3 trong số 6 trường hợp liên quan đến nội dung bị xóa vì vi phạm các quy tắc về lời nói gây thù hận.

Một phát ngôn viên của Ban giám sát độc lập cho biết các trường hợp phát ngôn kích động thù địch là "tỷ lệ đáng kể nhất" trong số các kháng nghị nhận được.

Jamal Greene, một trong những đồng chủ tịch Ban giám sát độc lập của Facebook và là giáo sư tại Trường Luật Columbia, nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn: “Lời nói gây thù hận là lĩnh vực đặc biệt khó khăn. Không dễ dàng với một thuật toán để có được ngữ cảnh của lời nói như vậy”.

tu-loi-noi-gay-thu-han-den-anh-khoa-than-ban-giam-sat-doc-lap-facebook-chon-ra-6-truong-hop-dau-tien.jpg
Ban giám sát độc lập sẽ đưa ra quyết định kiểm duyệt nội dung trên Facebook

Vào tháng 11, Facebook lần đầu tiên công bố số liệu về mức độ phổ biến của ngôn từ kích động thù địch trên nền tảng này, nói rằng trong mỗi 10.000 lượt xem nội dung trong quý 3/2020 có 10 đến 11 lượt xem bao gồm lời nói gây thù hận.

Các trường hợp khác được Ban giám sát độc lập toàn cầu lựa chọn liên quan đến nội dung bị xóa khỏi Facebook hoặc Instagram do vi phạm các quy tắc về ảnh khỏa thân dành cho người lớn, các cá nhân và tổ chức nguy hiểm, bạo lực, kích động.

Một trường hợp do chính Facebook đệ trình. Công ty cho biết trường hợp này nêu bật thách thức mà họ phải đối mặt với các nguy cơ gây hại ngoại tuyến do thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19.

Facebook cũng có thể yêu cầu Ban giám sát độc lập về các đề xuất chính sách không ràng buộc, nhưng Jamal Greene cho biết họ vẫn chưa làm như vậy.

Ban giám sát độc lập đã mở một giai đoạn lấy ý kiến ​​công khai kéo dài 1 tuần về các trường hợp đầu tiên, sẽ được xem xét bởi hội đồng gồm 5 thành viên. Họ có thời hạn 90 ngày để đưa ra quyết định về các vụ việc và Facebook phải thực thi.

Ban giám sát sẽ đưa ra quyết định với các trường hợp khiếu nại từ người dùng vào đầu năm 2021 về việc nội dung sẽ ở lại trên Facebook hoặc bị gỡ xuống.

Tuần này, một nhóm các nhà phê bình Facebook tự xưng là “Ban giám sát Facebook thực sự” cho biết sẽ nêu ba trường hợp chưa đủ điều kiện để người dùng đưa lên Ban giám sát độc lập chính thức, bao gồm tranh chấp về tài khoản Facebook của Steve Bannon, cựu cố vấn Tổng thống Donald Trump.

Khi được hỏi về nhóm này, một phát ngôn viên của Ban giám sát độc lập cho biết: “Rất nhiều người có ý kiến ​​về Facebook. Ban giám sát tập trung vào việc đưa ra các quyết định ràng buộc và các khuyến nghị về chính sách sẽ giữ lại tài khoản Facebook”.

Hôm 6.5, Facebook công bố 20 thành viên đầu tiên trong Ban giám sát nội dung độc lập.

Đồng chủ tịch của ban giám sát độc lập, những người có quyền lựa chọn thành viên, gồm Jamal Greene (chuyên gia luật hiến pháp), Michael McConnell (cựu thẩm phán liên bang Mỹ và chuyên gia về tự do tôn giáo), Catalina Botero-Marino (luật sư người Colombia) và Helle Thorning-Schmidt (cựu Thủ tướng Đan Mạch).

Các thành viên khác trong ban giám sát có András Sajó (cựu Thẩm phán Tòa án Nhân quyền châu Âu), Julie Owono (Giám đốc điều hành Internet Sans Frontières), Tawakkol Karman (nhà hoạt động người Yemen từng đoạt giải Nobel Hòa bình), Alan Rusbridger (cựu Tổng biên tập The Guardian), Nighat Dad (nhà ủng hộ quyền kỹ thuật số người Pakistan)…

Số thành viên dự tính sẽ tăng lên khoảng 40 người. Facebook cam kết tài trợ 130 triệu USD trong ít nhất 6 năm cho hội đồng này.

Nhân Hoàng