Hơn 150 nghị sĩ 18 nước kêu gọi Hồng Kông can thiệp vụ Trung Quốc bắt 12 nhà hoạt động
Quốc tế - Ngày đăng : 08:02, 02/12/2020
12 nhà hoạt động này liên quan đến các cuộc biểu tình chống chính quyền Hồng Kông năm ngoái, bị bắt trên biển vào ngày 23.8 khi cố gắng đến Đài Loan bằng tàu. Họ có độ tuổi từ 16 đến 33, hiện bị giam giữ trong một nhà tù ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc lẫn Hồng Kông đều không công khai danh tính 12 người này. Song, truyền thông tiết lộ trong nhóm có thanh niên 16 tuổi, nhà hoạt động dân chủ Andy Li (bị cáo buộc rửa tiền và thông đồng với thế lực nước ngoài) cùng một người mang hai quốc tịch Trung Quốc - Bồ Đào Nha.
Thời điểm đó, cảnh sát Trung Quốc nói 12 người bị tình nghi vượt biên trái phép. Hôm 13.9, Bộ ngoại giao Trung Quốc gọi họ là “những kẻ ly khai” để đáp lại việc Mỹ mô tả vụ bắt giữ là sự suy giảm nhân quyền.
Gia đình 12 người này đang vận động để sử dụng luật sư của riêng họ. Thế nhưng, các nhà chức trách Hồng Kông tiết lộ 12 nhà hoạt động sẽ được đại diện bởi các luật sư đại lục mà họ chọn từ danh sách do chính quyền Trung Quốc cung cấp.
Hôm 22.9, Trưởng đặc khu Hành chính Hồng Kông - Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói tại cuộc họp báo rằng 12 người bị giam giữ phải đối mặt với công lý ở Trung Quốc. Theo bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Hồng Kông không có cơ sở pháp lý để yêu cầu bất kỳ quyền cụ thể nào như giả định vô tội, xét xử công bằng hoặc đại diện hợp pháp.
Tuần trước, nhà chức trách Trung Quốc cho biết 12 người này phải đối mặt với cáo buộc vượt biên trái phép và tổ chức vượt biên bất hợp pháp, có thể bị phạt tù lên đến 7 năm.
“Với vai trò là Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, bà có trách nhiệm thay mặt những người trẻ này can thiệp để đảm bảo rằng họ được bảo đảm công lý. Nếu tiếp tục không làm như vậy thì bà hoàn toàn từ bỏ trách nhiệm phục vụ người dân Hồng Kông, đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của họ", các nghị sĩ từ 18 nước cho biết trong bức thư gửi Lâm Trịnh Nguyệt Nga được công bố cuối ngày 1.12.
Theo Reuters, hơn 150 nghị sĩ cho biết 12 nhà hoạt động này nên được phép trở về Hồng Kông ngay lập tức, đề cử đại diện pháp lý và tiếp cận với gia đình của họ.
Dù vậy, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói rằng 12 người sẽ phải đối mặt với công lý ở Trung Quốc và chính quyền của bà sẽ cung cấp cho họ sự hỗ trợ “cần thiết, khả thi”.
Các nhóm nhân quyền và các nhà hoạt động dân chủ đã bày tỏ sự lo sợ về các điều kiện và cách đối xử 12 người, với gia đình và luật sư bị từ chối tiếp cận họ. Các nhà chức trách Trung Quốc đã khẳng định 12 người được đại diện bởi các luật sư do họ chỉ định.
Hôm 25.10, hàng trăm người đã tuần hành ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan yêu cầu thả 12 nhà hoạt động Hồng Kông bị Trung Quốc bắt giữ.
Theo ABC News, trong ba ngày từ 23 – 25.10, rất nhiều người đã biểu tình tại ít nhất 10 thành phố trên khắp thế giới, từ New York (Mỹ), Vancouver (Canada) đến Adelaide (Úc), để ủng hộ 12 người bị bắt trong một chiến dịch có tên #save12hkyouths.
Hai nhà hoạt động Hồng Kông nổi tiếng Joshua Wong (bị tạm giam ngày 23.11 sau khi nhận tội tổ chức, kích động tụ tập trái phép gần trụ sở cảnh sát trong cuộc biểu tình năm 2019 - PV) và Nathan Law đã giúp khởi động chiến dịch trên mạng xã hội.
Trong đám đông tuần hành ở Đài Bắc hôm đó có các nhà hoạt động từ một số tổ chức Đài Loan, cư dân khác trên hòn đảo và nhiều người Hồng Kông. Mặc đồ đen và đeo khẩu trang, nhiều người diễu hành qua Đài Bắc, hô vang "Vinh quang cho Hồng Kông".
Đài Loan với Trung Quốc chia rẽ trong cuộc nội chiến vào năm 1949 và Bắc Kinh đã cắt đứt quan hệ với chính quyền nhà lãnh đại Đài Loan – Thái Anh Văn do bà từ chối chấp nhận yêu cầu công nhận hòn đảo này là một phần của Trung Quốc.
Tsang Cheung-kui, người đã chuyển từ Hồng Kông đến Đài Loan vào tháng 2.2020, nói rằng điều quan trọng với anh là người Hồng Kông phải thể hiện: “Ai trong chúng tôi, những người Hồng Kông ở Đài Loan đều muốn đến ủng hộ họ. Rõ ràng Hồng Kông không còn là Hồng Kông nữa, nhưng chúng tôi chưa từ bỏ Hồng Kông”.
Không giống như năm 2019, khi Tsang Cheung-kui tham gia các cuộc biểu tình chống chính quyền Hồng Kông để yêu cầu bảo vệ các quyền tự do dân chủ của thành phố, thông điệp lần này khác hẳn.
Tsang Cheung-kui nói: “Rất nhiều người trong số chúng tôi phản đối, có suy nghĩ rằng chúng tôi muốn thế giới biết Hồng Kông không còn như xưa nữa. Đừng nghĩ rằng Hồng Kông giống như trước đây là nơi có dân chủ, tự do và pháp quyền. Bây giờ điều này hoàn toàn không tồn tại".
Jeff Hou, cư dân Đài Loan đưa con trai 13 tuổi của mình đến cuộc biểu tình, cho biết điều quan trọng là phải tuần hành vì các quyền tự do dân chủ. Ông nói: “Miễn là nó liên quan đến dân chủ, chúng ta nên nhấn mạnh ở đây. Các quyền tự do dân chủ rất quan trọng với người Đài Loan chúng tôi”.
Một người biểu tình 27 tuổi từ chối tiết lộ họ tên vì lý do an toàn, cho biết cô lo ngại về số phận của 12 người bị bắt. “Tôi nghi ngờ về việc liệu họ có bị bắt hợp pháp hay không và liệu các quyền có được duy trì sau khi bị bắt hay không. Tôi muốn tham gia cuộc tuần hành này để ủng hộ họ”.
Nhiều cư dân Hồng Kông đã tìm cách chuyển đến Đài Loan kể từ khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia trên phạm vi rộng với thành phố từ 30.6.