Ông Trump dọa phủ quyết dự luật quốc phòng 740 tỉ USD nếu không bãi bỏ mục bảo vệ mạng xã hội

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:28, 02/12/2020

Tổng thống Donald Trump dọa sẽ phủ quyết luật chính sách quốc phòng phải thông qua hôm 1.12 trừ khi các nhà lập pháp đồng ý bãi bỏ Mục 230 - lá chắn pháp lý với các công ty truyền thông xã hội.

Việc ông Trump thúc đẩy bãi bỏ các biện pháp bảo vệ các công ty mạng xã hội, được gọi là Mục 230 thuộc Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông, đã trở thành vấn đề còn lại gây tranh cãi nhất trong các cuộc đàm phán về Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng. Ông Trump đã tăng cường áp lực lên Quốc hội khi gửi hai tweet hôm 1.12, đe dọa hủy bỏ dự luật 740 tỉ USD, trừ khi bãi bỏ Mục 230.

trump-do-phu-quyet-du-luat-quoc-phong-740-ti-neu-khong-bai-bo-muc-bao-ve-mang-xa-hoi.jpg
Ông Trump đăng tweet yêu cầu bãi bỏ Mục 230

"Mục 230, món quà che chắn trách nhiệm từ Mỹ cho Big Tech (các công ty duy nhất ở Mỹ có phúc lợi doanh nghiệp), là mối đe dọa nghiêm trọng với tính toàn vẹn của an ninh quốc gia và bầu cử của chúng ta. Đất nước của chúng ta không bao giờ có thể an toàn và an ninh nếu chúng ta cho phép nó đứng vững", ông Trump đã tweet.

"Do đó, nếu Mục 230 rất nguy hiểm và không công bằng không được chấm dứt hoàn toàn như một phần của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA), tôi sẽ buộc phải dứt khoát phủ quyết dự luật khi được gửi đến chiếc bàn kiên định tuyệt đẹp", ông Trump viết thêm.

Chiếc bàn kiên định là bàn lớn bằng gỗ có từ thế kỷ XIX, thuộc danh sách những chiếc bàn làm việc chính thức được đặt trong phòng Bầu dục của Nhà Trắng.

Một nhân viên cấp cao của Hạ viện cho biết vấn đề này không có cơ hội thành công với đảng Dân chủ. Nhân viên này nói việc thúc đẩy đưa các đề xuất khác nhắm vào Mục 230 trong dự luật quốc phòng cũng sẽ không thực hiện được.

Động thái mới nhất từ ​​ông Trump xuất hiện khi các nhà lập pháp gấp rút đưa ra dự luật quốc phòng thỏa hiệp trong tuần này. Đảng Dân chủ gần như chắc chắn sẽ bác bỏ yêu cầu của ông Trump về việc bãi bỏ hoàn toàn các biện pháp bảo vệ trực tuyến.

Hạ viện và Thượng viện đã thông qua các phiên bản dự luật quốc phòng với đủ sự ủng hộ của lưỡng đảng để vượt qua quyền phủ quyết tiềm năng. Chưa rõ số tiền 740 tỉ USD có được giữ vững hay không nếu ông Trump tiếp tục đe dọa.

Đây là lần thứ hai ông Trump đe dọa phủ quyết dự luật quốc phòng.

Trong mùa hè, ông Trump đã cam kết sẽ bổ sung dự luật thông qua điều khoản xóa tên các nhà lãnh đạo Liên minh miền Nam khỏi các căn cứ quân đội.

Vấn đề đổi tên căn cứ là sự chia rẽ lớn nhất giữa các nhà lập pháp và Nhà Trắng vốn đang đàm phán, nhưng các nhà lập pháp dường như đang nhích dần tới thỏa thuận về vấn đề đó trong tuần này.

trump-do-phu-quyet-du-luat-quoc-phong-740-ti-neu-khong-bai-bo-muc-bao-ve-mang-xa-hoi-anh1.jpg
Mục 230 bảo vệ Facebook, Twitter, YouTube khỏi các vụ kiện về nội dung được đăng lên bởi người dùng

Trang Axios đưa tin hôm 30.11 rằng chính quyền Trump thúc đẩy vào phút cuối để bãi bỏ Mục 230, bảo vệ các công ty mạng xã hội như Facebook và Twitter khỏi các vụ kiện về nội dung được đăng trên nền tảng của mình.

Ông Trump tìm cách hạn chế các biện pháp bảo vệ này, thậm chí một số thành viên đảng Dân chủ đã lên tiếng lo ngại rằng các biện pháp bảo vệ đã bị lạm dụng bởi các công ty truyền thông xã hội.

Một nguồn tin trong ngành yêu cầu giấu tên nói với trang Politico rằng các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa trên Đồi Capitol nói với Nhà Trắng rằng đảng Dân chủ sẽ không chấp nhận bãi bỏ hoàn toàn như một phần của dự luật quốc phòng.

Thay vào đó, các thành viên đảng Cộng hòa ở Thượng viện đang hướng tới những thay đổi khiêm tốn hơn với điều khoản trách nhiệm pháp lý.

Theo Axios, Thượng nghị sĩ Roger Wicker, thành viên của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang và Chủ tịch Ủy ban Thương mại có thẩm quyền về các vấn đề viễn thông, đang thúc đẩy các nhà đàm phán thông qua luật của ông để hạn chế các biện pháp bảo vệ trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cuối cùng.

Dự luật chính sách quốc phòng có khả năng là một trong những phần quan trọng cuối cùng của các nhà lập pháp sẽ thông qua trong năm nay và trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của Trump vào tháng 1 tới, khiến nó trở thành mục tiêu cho các vấn đề không liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia.

Việc bãi bỏ các biện pháp bảo vệ trách nhiệm pháp lý trực tuyến lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 11 sau khi Chánh văn phòng Nhà Trắng - Mark Meadows đưa ra một thỏa thuận tiềm năng, trong đó Trump sẽ từ bỏ việc phản đối đổi tên các căn cứ quân sự để đổi lấy việc bãi bỏ Mục 230.

Thời điểm đó, Chủ tịch Ủy ban quân sự Hạ viện (đảng Dân chủ) - Adam Smith cho biết sẽ sẵn sàng thỏa hiệp để hoàn thành dự luật.

Dù thừa nhận các nền tảng truyền thông xã hội đã lạm dụng quyền miễn trừ của họ, ông Adam Smith đã hạ thấp khả năng đảng Dân chủ đồng ý bãi bỏ Mục 230.

Adam Smith nói với Hội đồng Quan hệ Đối ngoại: “Tôi nghĩ rằng những nền tảng này đang xóa bỏ những thứ mà họ không nên bỏ qua. Các ủy ban thẩm quyền sẽ có điều gì đó để nói về điều này. Động cơ của tổng thống là minh bạch: Ông ấy nghĩ rằng mạng xã hội có ý nghĩa với mình và kết quả là ông ấy muốn kiện họ. Ông ấy đang tìm kiếm khả năng chúng tôi để trao cho ông quyền lực đó".

Mục 230 là gì mà khiến ông Trump căm ghét?

Mục 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông được ban hành năm 1996 nhằm bảo vệ Facebook, Twitter, YouTube khỏi các vụ kiện về nội dung được đăng lên bởi người dùng.

Khi luật được viết, chủ sở hữu một số mạng xã hội cũng lo lắng rằng có thể bị kiện nếu thực hiện bất kỳ việc kiểm soát nào với những gì xuất hiện trên trang của mình. Vì vậy, luật có thêm điều khoản quy định - miễn là các mạng xã hội hoạt động với sự thiện chí thì có thể xóa các nội dung gây khó chịu hoặc phản cảm.

Tuy nhiên, đạo luật này không bảo vệ việc vi phạm bản quyền hoặc một số loại hành vi tội phạm, đặc biệt là các nội dung khiêu dâm. Người dùng đăng nội dung bất hợp pháp vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ngành công nghệ từ lâu đã coi Mục 230 là sự bảo vệ quan trọng, dù đạo luật này ngày càng gây tranh cãi khi quyền lực của các công ty internet đã tăng lên đáng kể.

Mục 230 thành "cái gai" trong mắt Tổng thống Trump. Ông Trump cho rằng Mục 230 đã trao cho các công ty internet quá nhiều sự bảo vệ pháp lý và giúp họ trốn tránh trách nhiệm về các hành vi của mình. Ông Trump cũng cáo buộc rằng các nội dung đăng lên Facebook, Twitter phải chịu sự kiểm duyệt ngầm nhưng thường bị các công ty này phủ nhận.

Mục 230 thường bị hiểu sai khi nhiều cá nhân, công ty nghĩ rằng luật yêu cầu phải giữ quan điểm trung lập trong chính trị, đặc biệt các chiến dịch vận động tranh cử tổng thống. Song, thực tế luật chỉ quy định các công ty này giữ quyền tự do ngôn luận của người dùng thay vì nỗ lực thể hiện quan điểm chính trị trung lập.

Sau khi bị Twitter lần đầu ẩn đi tweet vào 27.5, ông Trump sắc lệnh yêu cầu các cơ quan chính phủ nghiên cứu áp đặt các quy định mới lên mạng xã hội. Sắc lệnh của ông Trump không thể khiến Mục 230 bị thay đổi hay bãi bỏ ngay lập tức bởi điều này chỉ Quốc hội Mỹ mới thực hiện được.

Bản dự thảo của ông Trump kêu gọi Bộ Thương mại yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang đưa ra các quy định mới làm rõ khi nào hành vi của một công ty vi phạm Mục 230, khiến các công ty công nghệ có thể dễ dàng bị kiện hơn. Nếu có hiệu lực, sắc lệnh của ông Trump sẽ thay đổi tiền lệ từ hàng chục năm qua, coi những nền tảng mạng xã hội là nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm với nội dung do người dùng tạo ra.

trump-do-phu-quyet-du-luat-quoc-phong-740-ti-neu-khong-bai-bo-muc-bao-ve-mang-xa-hoi-anh12.jpg
Jack Dorsey và Mark Zuckerberg phải điều trần trực tuyến trước Quốc hội Mỹ hôm 18.11 vì Twitter và Facebook ngăn chia sẻ bài bóc mẽ con trai Biden

Jack Dorsey và Mark Zuckerberg phải điều trần trực tuyến trước Quốc hội Mỹ hôm 18.11 vì Twitter và Facebook ngăn chia sẻ bài bóc mẽ con trai Biden
Băn khoăn trước quyết định của Twitter, Facebook về những gì cần để lại trên nền tảng và những gì cần gỡ bỏ, nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã đe dọa sẽ bỏ các biện pháp bảo vệ cho các công ty internet theo luật liên bang có tên Mục 230.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Lindsey Graham cho biết ông hy vọng Mục 230 được thay đổi.

Lindsey Graham nói: “Khi bạn có những công ty sở hữu quyền lực của chính phủ, có sức mạnh hơn nhiều so với các phương tiện truyền thông truyền thống, thì cái gì đó phải thay đổi”.

Tổng thống đắc cử Biden từng ủng hộ việc bãi bỏ Mục 230. Tuy nhiên, phe Dân chủ ở Quốc hội thích cải cách luật này hơn.

Mark Zuckerberg (CEO Facebook) và Jack Dorsey (CEO Twitter) cho biết cởi mở với một số cải cách với luật.

Tại một phiên điều trần vào tháng 10.2020, Dorsey nói việc làm xói mòn Mục 230 có thể ảnh hưởng đáng kể đến cách mọi người giao tiếp trực tuyến. Trong khi Zuckerberg ủng hộ việc thay đổi luật nhưng cũng cho biết các nền tảng công nghệ có thể sẽ kiểm duyệt nhiều hơn để tránh rủi ro pháp lý nếu Mục 230 bị bãi bỏ.

Nhân Hoàng