PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Phải kiên quyết cắt giảm những khoản chi chưa cấp thiết

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 16:25, 02/12/2020

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần kiên quyết cắt giảm những khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN) chưa cấp thiết, quyết liệt tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho biết đã có những thay đổi rõ nét trong cơ cấu NSNN và quản lý nợ công.

ngan-sach.jpg
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Chất lượng nợ công được cải thiện

Theo báo cáo về tình hình ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2019 và dự kiến năm 2020, tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 24,5% GDP cao hơn mức kế hoạch đề ra là 23,5%. Cơ cấu thu chi NSNN đã chuyển dịch theo hướng rất tích cực.

Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước tăng từ mức 68% của giai đoạn 2011-2015 lên mức 80,9% của giai đoạn 2016-2019 và ước đạt 84,3% trong năm 2020 đang làm cho nguồn thu NSNN có cơ sở tăng trưởng ổn định, bền vững, ít bị phụ thuộc vào nguồn thu từ bên ngoài qua thuế XNK, thu từ bán dầu thô và vay nợ quốc tế.

Mục tiêu về tăng thu nội địa được Quốc hội và Chính phủ đề ra cho giai đoạn 2016-2020 là 84%-85% về cơ bản đã đạt được. Cơ cấu nguồn chi NSNN đã được tái cấu trúc và thực hiện một cách kiên quyết.

Chi đầu tư phát triển trong giai đoạn 2016-2020 có tỷ trọng tăng dần lên mức 27%-28% tổng chi NSNN vượt mục tiêu đề ra là 25%-26%. Tỷ trọng chi thường xuyên đã giảm xuống 60,5% trong năm 2020, mục tiêu là thấp hơn mục tiêu đề ra là 64%.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng đây là một nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính và Chính phủ vì đã cắt giảm rất lớn các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cấp bách, trong khi vẫn đảm bảo nguồn vốn NSNN thực hiện điều chỉnh lương cơ sở, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

Đặc biệt, trong năm 2020 chỉ tiêu giảm biên chế công chức đã thực hiện tương đối cao 8,7%, biên chế viên chức hưởng lương ngân sách giảm khoảng hơn 7,56% cũng góp phần giảm chi tiêu thường xuyên NSNN.

Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước đã được kiểm soát tốt và giảm dần qua các năm, nên mặc dù tăng cao 4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán nhưng cả giai đoạn 2016-2020 vẫn đạt khoảng 3,8% GDP, thấp hơn chỉ tiêu cả giai đoạn 3,9% GDP được Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Cũng theo ông Thịnh, chất lượng nợ công được cải thiện rõ nét. Giai đoạn 2016-2019 tốc độ tăng nợ công giảm còn bằng 6,8%, tương đương với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

“Đây là một cố gắng rất lớn khi tốc độ tăng nợ công của giai đoạn 2011-2015 là 18,1%, bằng 3 lần tăng trưởng kinh tế. Riêng năm 2020, do nguồn thu của NSNN giảm 12,5% so với dự toán, trong khi nhu cầu chi NSNN tăng do phòng chống dịch bệnh nên chỉ giảm 3,5% so với dự toán nên NSNN cần tăng vay nợ. Vì vậy ước tốc độ nợ công năm 2020 tăng khoảng 10% so với năm 2019”, ông Thịnh nói.

Theo chuyên gia này, mặc dù tỷ lệ nợ công về số tuyệt đối vẫn tăng lên, nhưng tỷ lệ nợ công so với GDP đang giảm dần. Nợ công giảm từ mức 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 55% năm 2019 và lên 56,8% GDP năm 2020.

Cơ cấu nợ công trong nước, nước ngoài được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn. Tỷ trọng nợ công vay trong nước tăng từ 38,9% năm 2011 lên 60,1% năm 2016 và 61,9% tổng dư nợ của Chính phủ cuối năm 2019.

Bên cạnh đó, kỳ hạn phát hành, kỳ hạn danh mục trái phiếu Chính phủ được tăng lên, kỳ hạn trả nợ tăng dần, cơ sở nhà đầu tư được mở rộng, góp phần giảm rủi ro danh mục nợ Chính phủ, góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Về lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm từ mức khoảng 6,5-8,0%/năm đối với các kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm xuống còn khoảng từ 1,5-3,5%/năm, trong đó kỳ hạn 10 năm đến 30 năm.

“Đây là mức lãi suất thấp nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại không còn là nhà đầu tư chính trên thị trường mà các tổ chức phi ngân hàng đang chiếm vị thế trọng yếu. Rõ ràng, với những nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan quản lý, cơ cấu NSNN trong giai đoạn 2016 - 2020 đã có những thay đổi theo chiều hướng rất tích cực”, ông Thịnh chia sẻ.

Cần tiết kiệm chi thường xuyên

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2021-2025 bình quân khoảng 6,5 đến 7%, Chính phủ dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn khoảng 7,8 triệu tỉ đồng; gấp 1,2 lần so với giai đoạn 2016-2020.

Tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân khoảng 15-16% GDP, trong đó từ thuế phí khoảng 13-14% GDP đã điều chỉnh. Mức độ huy động từ thuế, phí bình quân 5 năm tới đạt 13-14% GDP điều chỉnh, về cơ bản tương ứng với mức huy động của các nước ASEAN-5; tăng tỷ trọng thu nội địa lên mức 85-86% tổng thu NSNN.

Về chi ngân sách nhà nước, dự kiến 5 năm tới gấp 1,3 lần giai đoạn 2016-2020; trong đó, chi đầu tư phát triển chiếm 27-28% tổng chi ngân sách nhà nước, nhằm hỗ trợ nền kinh tế khôi phục sau đại dịch COVID-19.

Cùng với đó là triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhằm tiếp tục giảm thấp tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi NSNN, nhưng phải đảm bảo cho các chế độ, chính sách chi cho con người, chi an ninh – quốc phòng, chi phát triển kinh tế - xã hội, các dịch vụ công thiết yếu.

Bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 3,7% GDP và giảm dần, trong đó năm 2021 dự kiến 4% GDP điều chỉnh và đến năm 2025 giảm còn 3,4% GDP. Nợ công đến năm 2025 ước khoảng 47,5% GDP điều chỉnh (khoảng 60,4% GDP chưa điều chỉnh).

Ông Thịnh đánh giá đây thực sự là những chỉ tiêu rất tích cực và đầy thách thức với nền kinh tế và các cơ quan quản lý nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đại dịch COVID-19 vẫn biến động phức tạp; thiên tai, hạn mặn, lũ lụt, dịch bệnh đang là những yếu tố tác động không thuận lợi đến quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế trong nước.

Để có thể hoàn thành được các chỉ tiêu của giai đoạn mới, ông Thịnh cho rằng cần sự nhất trí đồng lòng, chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp trong nền kinh tê, sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là của Bộ Tài chính.

Theo đó, trước hết, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu ngân sách nhà nước, cải cách hệ thống thuế theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu thuế mới phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tỷ trọng giữa thuế trực thu và thuế gián thu ở mức hợp lý, nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn thuế tài sản, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, cần xem xét kỹ chính sách miễn, giảm, giãn thuế hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách an sinh xã hội trong các sắc thuế và đảm bảo tính trung lập của thuế, đảm bảo tính công bằng, tạo môi trường đầu tư – kinh doanh thuận lợi, để tăng tỷ trọng thu nội địa, đảm bảo nguồn thu bền vững cho NSNN.

Ngoài ra, kiên quyết cắt giảm những khoản chi NSNN chưa thực sự cấp thiết, đảm bảo tính hiệu quả của chi tiêu đầu tư công, quyết liệt thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đẩy mạnh đổi mới khu vực sự nghiệp công lập.

Cùng với đó là tiết kiệm chi thường xuyên nhằm giành nguồn lực đáp ứng yêu cầu chi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và giảm dần bội chi ngân sách nhà nước. Nghiên cứu giảm dần cơ chế lồng ghép ngân sách để đảm bảo tính chủ động của các địa phương và vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương trong điều kiện mới.

“Hy vọng với những chuyển biến rất tích cực của giai đoạn 2016-2020, với những động lực mới của một giai đoạn mới, với một Chính phủ hành động quyết liệt để tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế như trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam sẽ có bước phát triển mới về đổi mới cơ cấu thu chi NSNN, giảm thiểu thâm hụt và quản lý tốt nợ công trong trong giai đoạn 2021-2025”, ông Thịnh chia sẻ.

Lam Thanh