Phó thống đốc Đào Minh Tú: Chưa cấp phép bất cứ sàn Forex nào
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 21:40, 02/12/2020
Chiều tối 2.12, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo thường kỳ Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì. Tham dự họp báo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành.
Ngân hàng lãi suất thấp, người dân rút tiền ra đầu tư
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, trả lời câu hỏi của báo chí về việc do lãi suất ngân hàng thấp, nhiều người rút tiền gửi tiết kiệm chuyển qua các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay Ngân hàng Nhà nước cũng đã biết tình trạng này.
Tuy nhiên, việc rút tiền ra đầu tư cái gì là quyền của người gửi tiền. Việc đầu tư mua trái phiếu bao nhiêu cũng là do các nhà đầu tư.
Hiện nay việc tăng trưởng tiền gửi 10 tháng đầu năm vẫn là 10,65%, tăng nhanh hơn cả chỉ số tín dụng của nền kinh tế. Những tháng gần đây, tiền gửi huy động của các ngân hàng thương mại vẫn tăng, nên việc rút ra vẫn ít hơn so với người gửi vào.
“Việc nhà đầu tư là người dân rút tiền ra để cho vào trái phiếu doanh nghiệp, Nghị định cũng như các văn bản hướng dẫn đều theo tinh thần là hạn chế nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu riêng lẻ, làm sao để việc mua trái phiếu đó đảm bảo an toàn cho cả doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu của mình”, ông Tú nói.
Chưa cấp phép sàn Forex nào
Liên quan đến việc người dân đầu tư vào các sàn Forex, theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ các tổ chức tín dụng kinh doanh ngoại hối mới được phép mua bán và cung ứng các dịch vụ mua bán ngoại tệ, thực hiện những dịch vụ phái sinh trên thị trường trong nước và quốc tế…
Hiện nay, chưa cấp phép bất kỳ sàn đầu tư chứng khoán Forex nào, tất cả các sàn đang hoạt động không đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Những cá nhân nào tham gia đầu tư vào đây là đang tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật.
“Người dân khi đầu tư các lĩnh vực này phải quan tâm đến những lời mời chào có phù hợp với thực tế hay không, phải quan tâm đến tính chất pháp lý của các tổ chức này”, ông Tú nói.
Về tiến trình hình thành sàn mua bán nợ xấu, ông Tú cho biết theo chức năng, nhiệm vụ, Công ty Mua bán nợ (VAMC) được phép mua bán nợ xấu.
Theo đề xuất của VAMC, Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể chấp thuận trên cơ sở đủ các điều kiện có thể thực hiện sàn giao dịch này. Mua bán nợ xấu của VAMC hiện nay rất tích cực. Khi đủ điều kiện công nghệ và điều kiện cho phép sẽ cấp phép giao dịch trên sàn. Đó cũng là điều kiện thúc đẩy, phát triển thị trường mua bán nợ xấu ở Việt Nam.
“Quá trình triển khai vẫn có thể là giao dịch trực tiếp, nếu chúng ta có điều kiện thì phát triển sàn giao dịch này có chức năng kinh doanh mua bán nợ xấu, kể cả các thành viên là những người có nhu cầu mua bán đều có thể giao dịch bán hàng. Trách nhiệm quản lý trước hết là do VAMC thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình”, ông Tú nói.
Thu được hàng nghìn tỉ đồng từ Facebook, Google, Netflix
Liên quan đến Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý thuế, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, Nghị định 126 hướng dẫn Luật Quản lý thuế thì tất cả cá nhân đều phải chấp hành nghiêm túc. Còn về phía NHNN phải phối hợp với ngành thuế để thực hiện việc này.
“Cung cấp số tài khoản mục tiêu cũng là để minh bạch việc chấp hành chính sách thuế của Nhà nước. Việc bảo mật sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành”, ông Tú nói.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cũng chia sẻ việc cung cấp thông tin tài khoản Ngân hàng theo Nghị định 126, đây không phải vấn đề mới vì việc kê khai tài khoản ngân hàng, giao dịch ngân hàng đã có quy định trong Luật Quản lý thuế.
Nghị định 126 quy định việc Ngân hàng Nhà nước cung cấp tình hình, thông tin tài khoản thu nhập của các cá nhân cho cơ quan thuế chỉ thực hiện khi các đối tượng nộp thuế thuộc diện thanh tra, kiểm tra. Việc bảo mật an toàn thông tin của các đối tượng sẽ được cơ quan quản lý thuế và Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Bao giờ bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học?
Về việc thống nhất xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết chứng chỉ tin học, ngoại ngữ nằm trong kế hoạch rà soát văn bản quy định pháp luật của bộ.
"Đây là Thông tư quy định về mã số tiêu chuẩn chức danh, nghề nghiệp của giáo viên mầm non và phổ thông. Sau khi nghiên cứu và căn cứ theo khung trình độ quốc gia, trong chương trình đào tạo giáo viên chúng tôi có yêu cầu về tin học và ngoại ngữ. Với giáo viên phổ thông đang dạy, chúng tôi sẽ đưa vào chương trình đào tạo bồi dưỡng thường xuyên", ông Sơn cho biết.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, sau khi thống nhất các ý kiến với Bộ Nội vụ sẽ đưa vào sửa đổi thông tư này. Theo kế hoạch, thông tư này sẽ ban hành vào tháng 12. Sau khi ban hành sau 45 ngày sẽ có hiệu lực, như vậy sẽ có hiệu lực vào tháng 2.2021.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cũng cho hay Nghị định 115 ngày 25.9 và Nghị định 138 ký ngày 27.11.2020 quy định cụ thể việc miễn thi ngoại ngữ, tin học đối với một số trường hợp. Trước đây, Nghị định 24 năm 2010 và Nghị định 29 năm 2012 không quy định cụ thể những trường hợp nào được miễn.
Vấn đề này cũng đã được cụ thể hóa rất chi tiết trong Nghị định 115 và Nghị định 138 khi tuyển dụng công chức, viên chức và khi thi nâng ngạch công chức, nâng hạng chức danh viên chức.
Về việc bỏ hay không bỏ thì Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã trả lời một số lần trên diễn đàn Quốc hội. Trong Nghị quyết Trung ương 7 khóa 12 về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và cán bộ các cấp bảo đảm thành phần, nhiệm vụ thì trong mục tiêu cụ thể đến 2025-2030 có quy định tỷ lệ phần trăm đối với từng loại cán bộ phải làm việc được trong môi trường quốc tế.
Vị trí việc làm nào cần phải có ngoại ngữ, cần phải có tin học trong điều kiện 4.0 này sẽ được quy định rất cụ thể trong vị trí, việc làm của từng công việc.
Về vị trí, việc làm, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định. Nghị định 62 ngày 1.6.2020 có hiệu lực ngày 20.7.2020 về vị trí, việc làm và biên chế tổ chức và Nghị định 106 ngày 10.9.2020 có hiệu lực từ ngày 15.11.2020 quy định về vị trí, việc làm và số lượng ngày làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Hai nghị định này đã quy định cơ cấu, kết cấu của vị trí việc làm, trong đó có việc mô tả công việc ra làm sao, xác định khung năng lực như thế nào, có cả quy định về ngoại ngữ, tin học, chuyên môn, nghiệp vụ… phù hợp với từng vị trí, việc làm.
Trên tinh thần các nghị định của Chính phủ, Bộ Nội vụ sẽ cùng các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, kể cả những bộ quản lý ngạch công chức chuyên ngành như Bộ Tài chính, thuế, kho bạc, ngân hàng… hay các bộ quản lý ngành lĩnh vực sự nghiệp, ví dụ y tế, giáo dục, sẽ rà soát lại toàn bộ những quy định về mã số, tiêu chuẩn, chức danh để hoàn chỉnh cho phù hợp.
Theo các Nghị định 115 và 138 về tuyển dụng công chức, viên chức đã quy định thẩm quyền của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, quy định mã số, tiêu chuẩn xếp lương đối với công chức, viên chức chuyên ngành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ. Trong quá trình thực hiện, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực để triển khai thực hiện phù hợp.