Làm chủ thông tin: Từ câu chuyện về sức khỏe của lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Góc bình luận - Ngày đăng : 15:01, 27/04/2019
Nhìn lại quãng thời gian trong vài ba chục năm gần đây, tôi thấy có một thực tế rất muốn trao đổi về công tác truyền thông mang tính quốc gia nhưng lại có vẻ chưa ổn lắm xung quanh chuyện kiểu như thông tin “về tình trạng sức khoẻ”, “về sự ra đi” của một yếu nhân nào đó của đất nước. Tôi biết gần đây, tuy đã có những chuyển biến nhất định và cũng đáng ghi nhận đôi chút, song, nói cho thật nghiêm túc, chúng ta vẫn chưa thật mạnh mẽ đổi mới trong khi mạng xã hội thì lại như "bão giông”, nhiều khi không kiểm soát nổi. Nó không thể không ảnh hưởng đến tư tưởng dân chúng.
Sở dĩ tôi muốn đưa ra bàn về chuyện này cũng là trên tinh thần xây dựng đặng tạo nên hiệu quả hơn ở góc độ truyền thông của nhà nước.
Nó cũng xuất phát từ một câu chuyện có thật trên truyền thông ngày 25.4 vừa rồi mà ta nên phát huy.
Rất cần những phát ngôn chính thống, kịp thời
Chiều 25.4, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức họp báo thường kỳ. Tại đây, nhà báo của hãng AFP hỏi về việc "một số nguồn tin cho biết Tổng bí thư, Chủ tịch nước bị đột quỵ trong thời gian đi công tác ở Kiên Giang, hiện sức khỏe ông ra sao và đang điều trị ở đâu?".
Người phát ngôn bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã cho biết: Do cường độ làm việc cao và sự thay đổi thời tiết trong chuyến công tác tại Kiên Giang đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, người phát ngôn cũng cho hay: "Tổng bí thư, Chủ tịch nước sẽ sớm trở lại làm việc bình thường".
Thật là ngắn gọn, đầy đủ nhưng rõ ràng. Chỉ qua thông tin đó, báo chí trong nước và quốc tế đã có thể được đưa tin chính thức. Qua đó cũng sẽ dẹp đi biết bao đồn đoán bất lợi trên mạng xã hội kể từ ngày 14.4 đến nay.
Đồng thời, cũng trong buổi chiều đó, tại một cuộc tiếp xúc cử tri quận Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, bà cũng cho biết: "Sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ổn định".
Theo Chủ tịch Quốc hội, sức khỏe Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bị ảnh hưởng do thời tiết thay đổi trong chuyến công tác từ Hà Nội vào Kiên Giang ngày 13-14.4, từ khi rời Hà Nội trong thời tiết còn hơi lạnh, vào trong này thì nắng nóng 38 độ C; lại thăm cơ sở chế biến tôm đông lạnh rồi lại phải đi ra nắng; cùng với đó là cường độ làm việc, xuống máy bay tại Cần Thơ rồi phải đi ngay về Kiên Giang, sau đó đi tiếp hơn 80km về huyện Kiên Lương... - Chủ tịch nói.
Một thông tin hết sức kỹ càng. Nó lại được phát đi từ vị Chủ tịch Quốc hội trước cử tri. Bởi thế nên càng có sức thuyết phục và thông tin này khiến dân chúng cả nước đủ an lòng. Qua đó, gián tiếp phủ nhận toàn bộ những đồn đoán và xuyên tạc trên mạng.
An lòng cũng là đúng khi mạng xã hội, kẻ xấu đã dựng chuyện, đặt điều đến độ kinh khủng thì làm sao dân lại không hoang mang cho được. Chúng ta có lẽ qua đây cũng nên lấy làm mừng vì tâm trạng của đảng viên và người dân yêu nước đối với người đứng đầu Đảng, Nhà nước hiện thời luôn có sự quan tâm rất đặc biệt , rất cảm động...
Thời gian mấy ngày đó, tôi ở Đà Nẵng, một thành phố du lịch khá đông du khách. Thế nhưng trong nhiều quán xá, trên bàn nhậu hoặc bàn cà phê, tôi tận tai nghe họ cứ bàn tán chuyện này. Thông tin quả thật nhiễu loạn!
Bạn tôi, cũng một nhà báo, nói nhỏ vào tai tôi: Ông thấy chưa, người ta thiếu thông tin như thế thì tránh sao chuyện bàn tán tùm lum, sai lệch ghê gớm so với thông tin ông vừa gọi hỏi. Số là trước đó ít phút, tôi có hỏi từ nguồn phóng viên báo tôi công tác cũ. Anh này may mắn có mặt tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang và người phóng viên ấy được quan sát từ đầu chí cuối hiện tượng “cụ Tổng” bị mệt ở mức độ thế nào trước khi xe đưa vào viện. Thực tế, tình trạng sức khỏe "cụ” đâu đến mức gì nghiêm trọng!
Theo tôi, việc chúng ta tổ chức nhiều “kịch bản” thông tin sao đó để qua đấy gián tiếp thông báo về tình trạng sức khỏe của các yếu nhân, khi có cơ hội hoặc theo một kế hoạch có chủ ý đều là rất cần thiết nhưng hơi tiếc, có lẽ làm hơi chậm.
Các quốc gia khác họ rất có kinh nghiệm khi xử lý sự cố truyền thông kiểu này.
Với việc một ai đó là người lãnh đạo đất nước, nếu như sau vài ba tuần mà chưa xuất hiện thì mới nên thắc mắc. Còn như chưa đến quãng thời gian đó thì có lẽ chúng ta hãy nên xem là bình thường.
Dân mình, một khi họ còn sốt ruột, còn lo lắng và còn quan tâm như thế cũng có nghĩa là đều rất trách nhiệm với đất nước và yêu quý, lo lắng cho lãnh đạo.
Tôi nói vậy nhưng cũng phải trừ một số phần tử chống phá chế độ. Họ cố tình bịa đặt, bóp méo sự thật đến kinh khủng. Thế nhưng sẽ rất tai hại nếu cứ để dân tình nghe mãi, nghe mãi mà thông tin chính thống thì lại không hề được đưa ra.
Tôi thấy hài lòng khi gần đây, những thông tin chính thống khi có vị lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua đời đã được thông báo rất kịp thời, ví dụ như cố Thủ tướng Phan Văn Khải, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cố Tổng bí thư Đỗ Mười và mới đây nhất là cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Nhiều thông báo được phát đi rất sớm, chỉ sau 1-2 tiếng, ví dụ như trường hợp cố Chủ tịch Trần Đại Quang, cố Chủ tịch Lê Đức Anh.
Thông tin được phát đi từ Thông tấn xã Việt Nam mà không cần chờ phải họp bàn, thành lập Ban Tổ chức tang lễ này khác thì mới đưa tin như nhiều năm trước đây chúng ta từng làm.
Cách làm này theo tôi là rất tốt và cần tiếp tục sau khi rút kinh nghiệm cho hoàn chỉnh hơn, bài bản hơn...
Liệu có nên xử lý như thế?
Trước thực tế của thời đại bùng nổ công nghệ thông tin trên toàn thế giới đã và đang chiếm thế thượng phong, nên cũng rất khó có thể đi ngược lại theo lối tuyên truyền cổ xưa, thậm chí bưng bít. Ai đưa thông tin sớm, chính xác thì dễ có khả năng làm chủ tình thế hơn.
Vì lẽ đó, khi cần thiết, khi muốn làm chủ thông tin, tốt hơn cả là tìm cách nắm bắt nó sao đó để có thể đưa tin có lợi nhất. Tất nhiên là phải trên một tinh thần chung, đó là vẫn cần phải có tính trung thực nhất định nếu có thể .
Tôi nhớ cách đây gần chục năm, khi Thủ đô Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, VTV có đưa hình ảnh một vị lãnh đạo cấp cao của Hà Nội vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thăm đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của lực lượng vũ trang .
Lẽ ra chuyện thăm hỏi là bình thường. Song sự việc này đã khiến nhiều người tỏ ý không hài lòng khi để đại tướng nằm giường bệnh nhưng lại mặc áo đại lễ, đeo quân hàm đầy đủ thì vô lý quá .
Việc xử lý cái gọi là "khủng hoảng truyền thông“ năm đó, theo một số ý kiến thì muốn qua đó hy vọng “đánh tan dư luận” đang râm ran rằng “đại tướng đã đi xa”. Tiếp đó là "để báo cáo với đại tướng biết việc cả nước ta đang chuẩn bị những khâu cuối cùng để tiến hành đại lễ kỷ niệm”.
Giá như việc có ai đó đến thăm và báo cáo công việc thì có lẽ chúng ta cứ đến. Còn cụ có nghe và hiểu được tình hình bên ngoài hay không, theo tôi cũng không còn quan trọng và cũng có thể chấp nhận nếu có ý muốn đánh tan dư luận đồn đại không có thật như tôi vừa nêu. Thế nhưng rõ ràng là rất không nên để đại tướng nằm giường bệnh khi lúc đó đã gần trăm tuổi, nằm viện một thời gian rất dài mà vẫn cứ phải đeo quân hàm, mặc đại lễ phục chứ không phải mặc đồ bệnh nhân thì phi lý quá, đáng rút kinh nghiệm quá!
Việc một vị lãnh đạo hay nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước qua đời, chúng ta không nên thông báo quá chậm trễ. Rất có thể trước mắt chưa thể chuẩn bị kịp lễ quốc tang thì cũng cần thông báo để dân biết sớm, tránh việc đồn đoán linh tinh. Tôi cũng rất ủng hộ cách làm của Đảng, Nhà nước nếu vì lý do vướng ngày nghỉ lễ nào đó của toàn dân mà nếu như cứ làm quốc tang thì sẽ mất vui, sẽ vỡ kế hoạch để dân có thể được vui chơi giải trí trọn vẹn. Đó là chưa nói đến chuyện có thể gây tốn kém xã hội do bị hủy chương trình vì quốc tang. Nên nhớ, nhiều khi chỉ cần hủy một vài chương trình truyền hình trực tiếp thì doanh nghiệp cũng méo mặt do mất tiền tài trợ cả chục tỉ như chơi mà không được phát sóng, không được biểu diễn ngoài quảng trường, nhà hát... Như thế, theo tôi cũng là điều hết sức hạn chế và không nên.
Việc một số nhà lãnh đạo, cựu lãnh đạo Đảng, Nhà nước bệnh tình ra sao, điều trị thế nào sau một thời gian nhất định thì Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cũng đã có thông báo nhất định trước toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Tôi cho rằng đó là cách làm cần thiết và phù hợp. Vấn đề là đến giai đoạn nào thì cần công bố và cân nhắc công bố ở mức độ nào. Khoa học y học hiện đại hôm nay đã khác xưa vô cùng nhiều. Một số bệnh hiểm nghèo đã có các thứ thuốc đặc trị cực kỳ hữu hiệu hỗ trợ trong điều trị và có thể khỏi. Vì thế, cũng không nên nhất thiết bí mật bởi mạng xã hội người ta vẫn đưa ra những thông tin kiểu này. Tiếc rằng, thông tin họ đưa ra rất hiếm khi đúng sự thực mà thường bị bóp méo, bị cường điệu thêm và dư luận từ đó đồn đại 1 thành 10 rất không hay.
Làm chủ thông tin trong chuyện này là chuyện không hề dễ khi mạng xã hội ngày một phát triển như vũ bão, không gì có thể bí mật mãi được. Nó buộc ta phải chọn ra giải pháp nào đó có lợi nhất, đánh át đi mọi thông tin sai trái, bịa đặt với dã tâm xấu độc. Với góc nhìn của ngành y học, tôi nghĩ các chuyên gia y tế vẫn có cách công bố vừa đủ những điều cần công bố mà vẫn bí mật những gì thuộc về nghiệp vụ của chuyên gia điều trị và đây cũng chính là điều cần thực hiện, cũng như không nên công bố thông tin về tình trạng sức khỏe yếu nhân, một vấn đề nhạy cảm của nhân sự cao cấp trong hệ thống chính trị, đặc biệt là giai đoạn Đảng ta chuẩn bị và tiến hành đại hội các cấp.
Quốc Phong