Bắc Kinh nói thêm nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc vào danh sách đen gây tổn hại cho Mỹ: Vì sao?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:15, 04/12/2020
Trong một cuộc họp hằng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - bà Hoa Xuân Oánh nói hành động này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích và hình ảnh của Mỹ?!
Trước đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nhắc lại nhận xét trước đó của người phát ngôn Bộ Ngoại giao rằng “Trung Quốc kiên quyết phản đối việc chính trị hóa các công ty có liên quan đến nước này”.
Hôm 3.12, Mỹ đã thêm vào danh sách đen quốc phòng Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC), Công ty TNHH Công nghệ Xây dựng Trung Quốc, Công ty Tư vấn Kỹ thuật Quốc tế Trung Quốc, Công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), với cáo buộc do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát.
Động thái này nâng tổng số công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen quốc phòng của Mỹ lên 35 và có khả năng làm leo thang căng thẳng với Bắc Kinh trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức vào ngày 20.1.2021.
SMIC là hãng sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc nhưng phụ thuộc nhiều vào thiết bị từ các nhà cung cấp của Mỹ. Trong khi CNOOC là chủ của giàn khoan Hải Dương 981 (HD981) đã xâm phạm vùng biển Việt Nam năm 2014. Theo các quan chức ngoại giao Mỹ, CNOOC được Trung Quốc sử dụng làm công cụ bắt nạt các nước trong khu vực, cản trở các hoạt động dầu khí có từ lâu của những nước này.
SMIC cho biết đang đánh giá tác động của việc bị thêm vào danh sách và cho biết mọi người nên nhận thức được rủi ro khi đầu tư vào họ. Cổ phiếu SMIC đã giảm hơn 2% hôm 4.12 trước khi giao dịch cổ phiếu ở Hồng Kông của công ty bị đình chỉ, còn cổ phiếu CNOOC giảm 0,7% trong giao dịch sáng sớm nay.
Cổ phiếu của đơn vị niêm yết CNOOC đã giảm gần 14% sau khi Reuters đưa tin công ty này sẽ bị thêm vào danh sách đen hôm 30.11.
Vào tháng 9, Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo cho một số công ty nước này rằng cần phải có giấy phép trước khi cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho SMIC. Việc đó đến sau khi kết luận rằng có “rủi ro không thể chấp nhận được” mà thiết bị được cung cấp cho SMIC có thể sử dụng cho mục đích quân sự.
Danh sách đen mở rộng được coi là một phần trong nỗ lực củng cố di sản cứng rắn với Trung Quốc của ông Trump. Điều đó đưa ông Biden, Tổng thống đắc cử nhậm chức vào ngày 20.1.2021, vào lập trường cứng rắn với Bắc Kinh trong bối cảnh lưỡng đảng chống Trung Quốc trong Quốc hội.
Biện pháp trên cũng là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ nhằm vào các tập đoàn công nghệ dân sự mới nổi có thể hỗ trợ Trung Quốc cho mục đích quân sự.
Như vậy, các công ty Mỹ phải có giấy phép từ chính phủ để bán các sản phẩm, chẳng hạn phần mềm và thiết bị sản xuất chip, cho SMIC. Lam Research, Applied Materials và các công ty Mỹ khác cung cấp thiết bị sản xuất chip sẽ bị ảnh hưởng lây.
Đây là đòn khác nhắm vào SMIC, vốn đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ chính quyền Trump với Huawei, khách hàng hàng đầu của họ.
Huawei đã bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ từ năm 2019.
Chủ tịch luân phiên tại Huawei, Guo Ping cho biết các lệnh trừng phạt của Mỹ mang đến những thách thức lớn cho hoạt động sản xuất và hoạt động của công ty. Các hạn chế ảnh hưởng đến bộ phận smartphone của Huawei và công ty cho biết sẽ ngừng sản xuất chip Kirin, một trong những bộ vi xử lý tiên tiến nhất của họ từ ngày 15.9. Chip Kirin cung cấp sức mạnh cho các smartphone cao cấp của Huawei.
Hồi tháng 9, tờ Financial Times báo cáo rằng các hạn chế mới của chính quyền Trump sẽ ảnh hưởng đến nhà thiết kế chip Qualcomm (Mỹ), công ty dựa vào SMIC để sản xuất một số chip của mình.
Hồi tháng 9, các công ty Mỹ cung cấp thiết bị tinh xảo và đắt tiền trong lĩnh vực chip đã cảnh báo chính quyền Trump về đề xuất đưa SMIC vào danh sách đen.
Được đại diện bởi Hiệp hội Quốc tế về thiết bị và vật liệu bán dẫn (SEMI), nhóm này lập luận rằng việc đưa SMIC vào danh sách đen sẽ gây nguy hiểm cho công nghệ Mỹ vì khiến các công ty nước này khó cung cấp hơn cho SMIC, vốn chiếm tới 5 tỉ USD doanh số bán thiết bị và vật liệu có xuất xứ từ Mỹ hằng năm.
Họ cũng cho rằng động thái như vậy sẽ "góp phần vào nhận thức ngày càng tăng" rằng việc vận chuyển hàng hóa của Mỹ là "không đáng tin cậy" và chiếm mất thị phần của nước này trên toàn thế giới.
Nhóm có 2.400 thành viên trên toàn thế giới, gồm cả SMIC và các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip Mỹ như Lam Research, Applied Materials.
Danh sách Các công ty quân sự của Trung Quốc được quy định theo luật năm 1999 yêu cầu Lầu Năm Góc biên soạn danh mục các công ty do Quân Giải phóng Nhân dân sở hữu hoặc kiểm soát, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ tuân thủ vào năm 2020. Những gã khổng lồ như Hikvision, China Telecom và China Mobile đã bị đưa vào danh sách đen này đầu năm nay.
Theo Reuters, vào tháng 11, Nhà Trắng đã công bố lệnh hành pháp nhằm cấm các nhà đầu tư Mỹ mua chứng khoán của các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen từ tháng 11.2021.
Theo Reuters, hai nhà quản lý tài sản hàng đầu Mỹ là Vanguard Group và BlackRock đều sở hữu khoảng 1% cổ phiếu của CNOOC Ltd (đơn vị niêm yết của CNOOC) và cùng sở hữu khoảng 4% cổ phiếu đang lưu hành của SMIC.
Quốc hội Mỹ và chính quyền Trump ngày càng tìm cách hạn chế khả năng tiếp cận thị trường Mỹ của các công ty Trung Quốc không tuân thủ quy tắc, ngay cả khi điều đó chống lại Phố Wall.
Hôm 3.12, Hạ viện đã thông qua luật loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ nếu không tuân thủ đầy đủ các quy tắc kiểm toán của nước này, giúp ông Trump có thêm một công cụ để đe dọa Bắc Kinh trước khi rời nhiệm sở.