Hiện tượng từ chức
Góc bình luận - Ngày đăng : 13:46, 06/06/2019
Mấy ngày qua, sự kiện ông Đoàn Ngọc Hải nộp đơn xin từ chức ngay sau khi được bổ nhiệm là Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn khiến nhiều coi đây là một “hiện tượng lạ” gây những tranh cãi. Có người cho rằng ông vô kỷ luật, có người lại cho rằng ông là người cương trực, dám từ bỏ một chức vụ lương cao lộc lớn...
Rất thẳng thắn, ông Hải tự nhận là mình không đủ chuyên môn để đảm nhận chức vụ mới và nếu miễn cưỡng nhận nhiệm vụ “trái với sở trường, chuyên môn và tâm huyết thì có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng, sẽ làm tổn thương đến uy tín của Đảng, tiền bạc và tài sản của nhân dân”. Ông còn cho rằng những lần dự định điều động như lần về công ty mới này “có thể nói là tùy tiện, đã làm tổn thương cá nhân tôi” và “phải chăng việc tôi đi chỉ huy dọn dẹp vỉa hè đã đụng chạm đến lợi ích của nhiều người có máu mặt và kết quả với tôi ngày hôm nay là như vậy?”.
Việc ông Hải từ chức vì nhận thấy mình không đủ chuyên môn khiến người ta nhớ đến vụ Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, tướng Nguyễn Thanh Hóa, người nhận là không biết gì về mạng, thiết bị số, cả máy vi tính cũng không, nhưng vẫn nhận nhiệm vụ lãnh đạo một đơn vị phòng chống tội phạm trên lãnh vực công nghệ cao và đã để xảy ra vụ án đánh bạc nghìn tỉ. Nhiều người có thể tự hỏi là khi bổ nhiệm, “điều động” quan chức ở xứ ta thì điều gì là ưu tiên, chuyên môn, năng lực, sở trường hay là điều gì khác?
Trở lại với trường hợp của ông Đoàn Ngọc Hải, chúng ta thử lý giải vì sao những “hiện tượng từ chức” như ông lại cực kỳ hiếm có ở xứ ta, trong khi ở xứ người đó lại là những hiện tượng rất bình thường? Ở xứ người, quan chức từ chức “thấy mà ham”: một bộ trưởng như Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Mexico Gonzalez Blanco đã từ chức vì làm trễ một chuyến bay 30 phút, một thủ tướng như Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố từ chức do không thể đưa đất nước đến thỏa thuận Brexit, và còn rất nhiều lãnh đạo, quan chức khác lập tức từ chức khi xảy ra các cuộc khủng hoảng, có khi không phải do lỗi của họ. Còn nước ta? Khủng hoảng ít nhiều đã xảy ra trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, có người cũng đứng ra “nhận trách nhiệm”, nhưng không thấy ai từ chức...
Có thể thấy sự khác biệt của phần lớn các quan chức nước ta so với nhiều nước trên thế giới là quan trường là sự nghiệp chủ yếu của cả đời họ. Nhiều người khi rời khỏi chức vụ, quan trường thì không có khả năng tạo dựng một sự nghiệp mới. Có khá nhiều người có được tiền bạc, của cải, tài sản, dinh thự hoành tráng từ khi có quyền chức trong khi ở nhiều nước, các quan chức thường là những người đã có tiền, đã thành đạt rồi mới ra phục vụ cho sự nghiệp chung. Họ có thể dễ dàng từ bỏ chức vụ công cộng để quay về với sự nghiệp tư nhân của mình. Trường hợp như Tổng thống Mỹ Donald Trump là một điển hình, ông là một doanh nhân rất thành đạt, khi ra làm tổng thống ông chỉ nhận mức lương tương trưng là 1 đô la mỗi năm. Và như nhận định của một triết gia, một đất nước, một công sở được điều hành bởi những người có tiền rồi mới có quyền có thể sẽ tốt hơn là đất nước, công sở được điều hành bởi những người có quyền rồi mới có tiền...
Lùi xa về quá khứ, ta thấy nhiều vị hiền quan rất sẵn sàng “nhẹ bước thanh vân” lui về ở ẩn khi điều kiện không cho phép họ thực hiện hoài bão phục vụ người dân. “Rằng xưa có gã từ quan, lên non tìm động hoa vàng... ngủ say” (thơ Phạm Thiên Thư). Đó thường là những vị quan liêm chính, có chí khí của những “kẻ sĩ”, điều mà ngày nay có thể đã trở thành hiếm hoi.
Một cơ chế “chiêu hiền đãi sĩ”, thường xuyên thanh lọc, cạnh tranh đào thải ở những chốn “quan trường” sẽ khiến cho việc từ chức, cách chức trở nên bình thường, không trở thành “hiện tượng lạ” gây tranh cãi như trường hợp ông Đoàn Ngọc Hải. Và đó cũng chính là một trong những động lực đưa đất nước đi lên...
Đoàn Đạt