Trung Quốc dùng Úc cảnh cáo quốc gia khác?

Góc nhìn - Ngày đăng : 15:43, 05/12/2020

Quan hệ Trung - Úc ngày một tồi tệ cho thấy chính quyền Bắc Kinh sẵn sàng dùng thương mại như vũ khí chính trị đáp trả nỗ lực tìm kiếm hợp tác quốc tế chống lại nước này. Từ đây các quốc gia khác cũng phải suy nghĩ về cách xử lý mối quan hệ với một Trung Quốc ngày càng thiếu thân thiện.

Kể từ sau khi giới chức Canberra thúc đẩy điều tra độc lập về COVID-19, phía Bắc Kinh liên tục áp đặt hạn chế lên lúa mạch, thịt bò, than, đồng, gỗ và rượu Úc. Tháng trước họ còn công bố 14 phát ngôn từ phía Úc “đầu độc” quan hệ song phương – trong đó có lời kêu gọi mở cuộc điều tra đại dịch, nội dung truyền thông chống Trung, lời bày tỏ lo ngại về tình hình Hồng Kông và Tân Cương,…

Dù để ngỏ khả năng đối thoại, Thủ tướng Úc Scott Morrison quyết bảo vệ giá trị và lợi ích quốc gia chứ không thỏa hiệp. Ông khẳng định chính quyền Canberra không thực thi chính sách theo lệnh quốc gia khác.

Bắc Kinh một mực đổ lỗi đối tác làm mối quan hệ xấu đi. Nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên lại khiến tình hình xấu đi bằng dòng đăng Twitter kèm theo ảnh minh họa binh sĩ Úc kề dao vào cổ bé gái Afghanistan. Úc, New Zealand, Pháp, Mỹ lập tức lên tiếng lên án.

china-australia-flags-edm.jpg
Quan hệ Úc - Trung thu hút sự chú ý lớn - Ảnh: The New Daily

Cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đánh giá 14 phát ngôn Trung Quốc công bố dập tắt hy vọng cải thiện quan hệ: “Ở Bắc Kinh họ đổ lỗi cho bất cứ ai, nhưng nếu cứ đe dọa và tỏ vẻ ngạo mạn thì chẳng thể nào có bạn bè cả”.

Theo cựu Thủ tướng Turnbull, quốc gia khác sẽ chú ý đến những gì Úc phải trải qua, hình ảnh Trung Quốc trên quốc tế thêm xấu xí.

Nhà nghiên cứu Jeffrey Wilson thuộc Trung tâm Mỹ - châu Á (Đại học Tây Úc) cũng nhận định: “Nếu xem xét kỹ có thể nhận ra 14 phát ngôn Trung Quốc công bố không phải yêu cầu đặt ra để chính quyền Canberra sửa chữa, mà như lời cảnh báo gửi đến vài nước khác đang theo đuổi chính sách đối ngoại chống Trung mà chính quyền Bắc Kinh có thể tiến hành trừng phạt kinh tế. Nói cách khác Úc bị nhắm đến do là đối tượng “làm gương” phù hợp”.

Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh Tom Tugendhat lưu ý 14 phát ngôn Trung Quốc công bố như “hồi chuông cảnh tỉnh” nước khác. Chính quyền Luân Đôn xem đây là hành động cực kỳ hung hăng.

Một số quốc gia từng có trải nghiệm tương tự Úc. Nhà tư vấn Shin Oya thuộc tổ chức Sáng kiến châu Á - Thái Bình Dương cho biết Nhật Bản nhớ mãi lần bị chặn xuất khẩu đất hiếm do bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc. Ông kêu gọi các nước hợp tác đẩy lùi chiến thuật gây sức ép.

“Đứng về phía Úc không chỉ giúp cho người dân Úc, mà còn cho tất cả những ai tin tưởng pháp quyền và phản đối gây hấn bằng kinh tế”, theo nhà tư vấn Oya.

Cựu quan chức ngoại giao Hàn Quốc Shin Kak-soo đánh giá tình hình của Úc khiến chính quyền Seoul lo ngại. Ngành du lịch Hàn Quốc từng hứng chịu hạn chế từ nước láng giềng vì quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in thời gian qua cố cân bằng giữa Mỹ với Trung Quốc, tuy nhiên không thể loại trừ khả năng chính quyền Bắc Kinh trả đũa nếu họ chọn đứng về phía Mỹ trong tương lai.

“Các nước trong khu vực nên nỗ lực xây dựng mạng lưới khuôn khổ, buộc Trung Quốc hành xử theo quy tắc với tư cách quốc gia có trách nhiệm”, cựu quan chức Shin đề xuất.

Cựu quan chức ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan khuyến cáo Trung Quốc đang cố tăng áp lực lên Úc, nếu Úc khuất phục sẽ khiến quốc gia khác phải suy xét lại. Nhưng ông không nghĩ trừng phạt kinh tế có hiệu quả: “Hãy bình tĩnh và giữ vững lập trường đối với vấn đề mang tính nguyên tắc và liên quan lợi ích quốc gia”.

Cẩm Bình