Căn cứ quân sự phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông quá yếu
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:04, 07/12/2020
Trung Quốc từ năm 2015 bắt đầu tiến hành cải tạo trái phép hàng loạt thực thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, xây dựng đường băng cũng như triển khai hệ thống vũ khí – động thái làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Tạp chí Naval and Merchant Ships mới đây chỉ ra điểm yếu của những căn cứ phi pháp ở 4 khía cạnh khoảng cách với đất liền, quy mô, đường băng sử dụng, nguy cơ chịu tấn công từ nhiều hướng.
Theo tạp chí thì chúng nằm quá xa đất liền Trung Quốc, không liên kết với nhau nên chẳng thể hỗ trợ nếu bị tấn công.
“Lấy ví dụ Đá Chữ Thập (của Việt Nam) cách đảo thành phố Tam Á ở Hải Nam đến 1.000 km. Như vậy tàu hỗ trợ tác chiến nhanh nhất cũng phải mất 20 tiếng mới đến nơi”, tạp chí cho biết.
Do khoảng cách xa nên kể cả chiến đấu cơ tiên tiến J-16 cũng khó lòng triển khai hiệu quả, dễ bị tàu chiến đánh chặn. Hơn nữa trên mỗi đảo nhân tạo chỉ có 1 đường băng và không đủ không gian cho nhiều máy bay cùng lúc.
Trong trường hợp xung đột nổ ra, 1 chiếc máy bay tiếp liệu sẽ chiếm mất chỗ đường băng khiến, khiến máy bay khác không thể sử dụng.
Đường băng cũng quá gần biển nên dễ chịu ảnh hưởng từ sóng biển cùng thời tiết nhiệt đới. Đảo nhân tạo nhỏ, bằng phẳng vì vậy không tài nào chịu được 1 cuộc tấn công lớn.
Một điểm chí mạng nữa là bao quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp là lực lượng của các bên tranh chấp khác, trong đó có đồng minh Mỹ như Philippines hay Malaysia. Nếu xung đột nổ ra, tấn công có thể đến từ cả đảo Palawan (Philippines) ở phía đông Trường Sa lẫn eo biển Malacca ở phía tây.