Mỹ sẽ mạnh tay trừng phạt 14 quan chức Trung Quốc đàn áp nhà lập pháp Hồng Kông

Quốc tế - Ngày đăng : 09:21, 07/12/2020

Mỹ chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với 14 quan chức Trung Quốc vì đóng vai trò trong việc đàn áp các nhà lập ở Hồng Kông, theo Reuters.

Theo Reuters, việc này có thể diễn ra sớm nhất vào ngày 7.12, sẽ nhằm vào các quan chức đảng Cộng sản Trung Quốc khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục gây áp lực lên Bắc Kinh trong những tuần cuối cùng trước khi ông mãn nhiệm. Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ nhậm chức vào ngày 20.1.2021.

Hai nguồn tin cho biết có tới 14 người, bao gồm các quan chức Quốc hội Trung Quốc hoặc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và đảng viên Trung Quốc, sẽ bị nhắm mục tiêu bởi các biện pháp như đóng băng tài sản và trừng phạt tài chính.

Quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ nhiều cá nhân sẽ bị trừng phạt. Một người quen thuộc với vấn đề này cho biết nhóm có thể sẽ bao gồm các quan chức từ Hồng Kông cũng như đại lục.

Các nguồn tin không cung cấp tên hoặc chức vụ của những người sẽ bị trừng phạt. Hai nguồn tin cảnh báo rằng thông báo vẫn có thể bị trì hoãn cho đến cuối tuần.

Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng chưa bình luận về chuyện này.

Tháng trước, chính quyền Hồng Kông đã cách chức 4 thành viên đối lập khỏi cơ quan lập pháp của mình sau khi Quốc hội Trung Quốc trao cho chính quyền thành phố quyền hạn mới để kiềm chế bất đồng.

Bốn nhà lập pháp thuộc phái ủng hộ dân chủ gồm Alvin Yeung, Kwok Ka-ki, Dennis Kwok và Kenneth Leung đã bị mất tư cách nghị sĩ Hội đồng Lập pháp ngay lập tức sau khi Bắc Kinh thông qua “Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc về vấn đề tư cách của nghị sĩ Hội đồng Lập pháp Đặc khu Hành chính Hồng Kông”.

Theo đó, nghị quyết này cho phép chính quyền Hồng Kông truất ghế lập tức các nghị sĩ của cơ quan lập pháp bị cho thúc đẩy hoặc ủng hộ khái niệm độc lập Hồng Kông, từ chối tán thành đất nước tiếp quản chủ quyền với Hồng Kông, tìm kiếm hoặc lôi kéo thế lực nước ngoài can thiệp vào công việc của đặc khu và tham gia hành vi gây tổn hại cho an ninh quốc gia.

Sẽ không có tương lai cho cơ quan lập pháp này. Việc không đạt tiêu chuẩn sẽ khiến cơ quan lập pháp của Hồng Kông hoạt động kém hiệu quả”, ông Kenneth Leung, 1 trong 4 nghị sĩ bị truất quyền, bày tỏ sau thông báo của Bắc Kinh.

Động thái trên khiến 15 nhà lập pháp đối lập ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông đồng loạt từ chức.

my-se-trung-phat-14-quan-chuc-trung-quoc-dan-ap-nha-lap-phap-hong-kong1.jpg
15 nhà lập pháp đối lập Hồng Kông tuyên bố từ chức trong buổi họp báo hôm 11.11 - Ảnh: Reuters

Việc này cũng làm tăng thêm báo động ở phương Tây. Nhóm chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes, bao gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand, cho biết vào tháng trước động thái này dường như là một phần của chiến dịch bịt miệng những nhà phê bình và kêu gọi Trung Quốc đảo ngược hướng đi.

Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách trung ương Trung Quốc xem xét lại các hành động của họ chống lại cơ quan lập pháp được bầu của Hồng Kông và ngay lập tức phục hồi các thành viên hội đồng lập pháp”, Ngoại trưởng Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand cho biết trong một tuyên bố chung.

Vào tháng 11.2020, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - Robert O'Brien nói việc truất quyền các nhà lập pháp cho thấy công thức "Một quốc gia, hai hệ thống" với quyền tự trị của Hồng Kông đã được hứa hẹn kể từ khi Anh trao lại lãnh thổ cho Trung Quốc vào năm 1997, giờ đây không còn nữa và hứa Mỹ sẽ hành động.

Tháng 10, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo các tổ chức tài chính quốc tế làm ăn với các cá nhân được coi là chịu trách nhiệm cho cuộc đàn áp của Trung Quốc ở Hồng Kông rằng họ có thể sớm phải đối mặt với các lệnh trừng phạt cứng rắn.

Tháng 8, Mỹ đã đưa ra các biện pháp trừng phạt với Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông – Lâm Trịnh Nguyệt Nga, cảnh sát trưởng hiện tại, cựu cảnh sát trưởng và các quan chức hàng đầu khác ở thành phố này vì đóng vai trò hạn chế các quyền tự do trong cuộc đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ.

Tháng 11.2020, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính đã áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với 4 quan chức Trung Quốc trong chính phủ và cơ sở an ninh Hồng Kông, cấm đến Mỹ và phong tỏa mọi tài sản liên quan đến Mỹ của họ.

Bắc Kinh trước đây đã lên án các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến Hồng Kông, gọi đó là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Hồng Kông được cho là một trong những thách thức gai góc nhất của ông Biden với Trung Quốc, vốn sẽ là thách thức cao nhất trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của ông khi quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ở thời điểm thấp nhất trong nhiều thập kỷ về một loạt tranh chấp.

Ông Biden hứa sẽ có đường lối cứng rắn hơn Trump về nhân quyền ở Trung Quốc và các nước khác, nên phản ứng của ông với cuộc đàn áp ở Hồng Kông có thể là một thử nghiệm sớm cho quyết tâm đó.

Nhân Hoàng